Thao thức trao truyền lịch sử
Để không đứt gãy ký ức về lịch sử đất nước, quê hương, trong đó có lịch sử Đảng và cách mạng, truyền thống anh hùng kháng chiến chống giặc ngoại xâm, thì công tác giáo dục và tuyên truyền hết sức cần thiết. Nhưng đó phải là hành trình xuyên suốt, trao truyền và thẩm thấu qua các ngọn nguồn, ở nhiều lĩnh vực và phương thức hiệu quả.
Việc trong tuần qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội thảo để đánh giá thực trạng và bàn giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn Quảng Nam, cũng là cách góp phần vào hành trình ấy, nhằm khơi dậy khao khát nhận thức những giá trị lịch sử có nguy cơ bị đứt gãy, lãng quên.
Trước hết là chuyện giáo dục lịch sử. Từ nhiều năm tháng qua đã có nhiều mô hình, cách làm hay được đúc kết từ tỉnh đến địa phương. Chương trình giáo dục đã có thiết kế biên soạn các tài liệu giáo dục lịch sử địa phương, đưa vào giảng dạy ở các trường phổ thông.
(Thời gian qua đã có tài liệu giáo dục địa phương cho các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11. Trong năm 2024-2025 Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục biên soạn tài tiệu cho các lớp 5, 9, 12). Bên cạnh giáo dục phổ thông cho học sinh, các trường, trung tâm chính trị, ban tuyên giáo các địa phương đã phối hợp biên soạn giáo trình lịch sử Đảng để giảng dạy, bồi dưỡng đối tượng cảm tình đảng hoặc đến cấp đào tạo trung cấp lý luận chính trị.
Về giáo dục, tuyên truyền cho thế hệ trẻ những hiểu biết về lịch sử đất nước, quê hương, lịch sử Đảng và truyền thống cách mạng, các hội đoàn thể cũng góp sức rất lớn với việc tổ chức hoạt động “về nguồn”, kể chuyện ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu nhân dịp kỷ niệm sự kiện lịch sử.
Các ngành, đơn vị như văn hóa, bảo tàng, thư viện… đã có cách làm sáng tạo khi hình thành các triển lãm, trưng bày chuyên đề về sách, báo, hồ sơ tư liệu, hiện vật để “kể câu chuyện lịch sử” (trong đó có mô hình hay là tổ chức hoạt động “Một giờ học lịch sử” tại các di tích lịch sử, mà Hội An từng triển khai đến các trường trung học cơ sở và tiểu học).
Các cơ quan tuyên giáo ở các địa phương, tuyên huấn trong lực lượng vũ trang đã xúc tiến biên soạn nhiều công trình lịch sử Đảng, lịch sử đấu tranh cách mạng, các sự kiện và nhân vật lịch sử.
Ở góc độ của cơ quan truyền thông đại chúng, Báo Quảng Nam cũng góp phần mình một cách tích cực trong tuyên truyền lịch sử quê hương, lịch sử Đảng và lịch sử đấu tranh cách mạng.
Các chuyên trang, chuyên mục với chủ đề này được duy trì xuyên suốt trên các ấn phẩm báo in và báo điện tử như “Đất và người xứ Quảng”, “Hồ sơ- tư liệu”; hoặc các số đặc biệt, đặc san, các kỳ báo phát hành vào các dịp lễ lớn đều chú ý dành dung lượng thích đáng cho mảng tuyên truyền lịch sử, về truyền thống anh hùng bất khuất của đất Quảng.
Gần đây, thích ứng với sự chuyển động của báo chí hiện đại, nhiều loại hình đa phương tiện trên báo điện tử đã xây dựng các tác phẩm công phu, dày dặn tư liệu về sự kiện nổi bật của lịch sử địa phương; đó cũng là nguồn dữ liệu phong phú để lưu lại nhân chứng sự kiện, hành trình đi cùng lịch sử của các miền quê xứ Quảng.
Có nhiều thành quả, nhưng công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử cũng như con đò mải miết trên dòng đời, không thể ngưng nghỉ. Bởi vì chỉ cần dừng lại là đứt gãy.
Những thế hệ nối tiếp nhau nếu không nhận được sự trao truyền đầy đủ, thì khi lớp trước tàn lụi, lớp măng mọc lên sẽ quên nhiều giá trị, thậm chí người trẻ tương lai có thể “bắn quá khứ bằng đại bác”, trong bối cảnh thông tin xuyên tạc, bóp méo lịch sử vì động cơ bất lương ngày càng giăng mắc đầy rẫy trên mạng.
Lịch sử là dòng sông. Ở mỗi chặng dòng sông ấy, lưu dấu trên đời người những giá trị lịch sử bồi đắp phù sa tâm hồn và cách thế ứng xử, để tình yêu quê hương, đất nước, dân tộc trường tồn.