Nữ thần Durgā tại Khu di tích Mỹ Sơn

VÕ VĂN THẮNG 12/11/2023 08:09

Qua các tài liệu nghiên cứu với các điểm tương đồng cho phép đặt ra giả thuyết: Phải chăng tượng đồng Durgā (E4?) và tượng sa thạch Śiva (C1), với kích thước và phong cách tương đồng, là một cặp tượng thể hiện ý niệm về vị thần tối cao Śiva đi kèm với Śakti, như được tôn vinh với danh xưng Maheśvara Umā ở dòng mở đầu bản văn khắc cổ xưa nhất tại Khu di tích Mỹ Sơn?

Phù điêu Durgā Mahiśasurmardinī, vòm cửa tháp E4 Mỹ Sơn tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Phù điêu Durgā Mahiśasurmardinī, vòm cửa tháp E4 Mỹ Sơn tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Sự tích thần Durgā

Kinh sách và thần thoại Hindu giáo từ xưa đã giải thích sức mạnh của thần linh là sự hợp thành hài hòa giữa tính nam và tính nữ; bên trong một vị nam thần phải có một “tính nữ thần thánh”, tạo nên năng lượng của thần linh (tiếng Sanskrit: Śakti).

Ý niệm này được chuyển tải trong thần thoại qua các câu chuyện về những “người vợ”, là hiện thân của những Śakti của thần. “Vợ” của thần Śiva có các danh xưng khác nhau như Umā, Parvatī, Durgā…, gắn với nhiều sự tích huyền bí, đan xen các tình tiết và nhân vật.

Một câu chuyện về sự ra đời của nữ thần Durgā giải thích quyền năng to lớn của vị thần này. Vào thời kỳ xa xưa, có con quỷ Mahiśāsura, bản chất xấu xa độc ác, nhưng mong muốn trở thành bất tử. Mahiśāsura ban đầu là một tín đồ của thần Brahma, tỏ ra trung thành và cầu xin thần Brahma ban cho một đặc ân là nó sẽ không bao giờ bị giết chết bởi bất kỳ người đàn ông nào.

Khi có đặc ân đó, Mahiśāsura quay lại tấn công cõi trời của chư thần và tất cả nam thần không thể nào tiêu diệt được nó. Để đối phó với tình huống oái oăm đó, các thần Brahma, Viśnu, Śiva bèn hợp lực để sinh ra một nữ thần có được quyền năng và sức mạnh của tất cả các thần; đó là nữ thần Durgā, cũng là thần Mẹ của nguồn năng lượng vũ trụ.

Tượng đá Śiva, cao 194cm, từ tháp C1 Mỹ Sơn.
Tượng đá Śiva, cao 194cm, từ tháp C1 Mỹ Sơn.

Nữ thần Durgā được trao cho các vũ khí đặc thù của mỗi vị thần và đã chiến đấu với quỷ Mahiśāsura suốt mười lăm ngày đêm. Quỷ Mahiśāsura biến hóa thành các con vật khác nhau để ứng phó và cuối cùng biến thành một con trâu hung dữ tấn công Durgā.

Nhờ sở hữu sức mạnh và vũ khí của chư thần, nữ thần Durgā đã tiêu diệt được quỷ Mahiśāsura đầu trâu, kết thúc sự lộng hành của những điều ác độc, xấu xa ở ba cõi đất, trời, người. Kinh truyện Hindu giáo cũng cho rằng nữ thần Durgā chính là “vợ” của thần Śiva, tương tự như nữ thần Umā hay nữ thần Parvatī.

Xuất phát từ nội dung thần thoại, tượng thần Durgā thường được thể hiện đứng trên một đầu trâu hoặc trong tư thế nhiều cánh tay nắm các loại vũ khí, chân đạp lên một đầu trâu, gọi là Durgā Mahiśāsuramardinī(thần Durgā diệt Quỷ đầu trâu).

Ở khu vực Nam Bộ có tìm thấy các tượng tròn thể hiện nữ thần Durgā đứng, với 4 cánh tay (Bảo tàng tỉnh Kiên Giang, Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh). Tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đang trưng bày 3 bức phù điêu Durgā Mahiśāsuramardinī, xuất xứ từ di tích Chiên Đàn (6 cánh tay), di tích Tháp Mẫm (8 cánh tay) và từ tháp E4 Mỹ Sơn (10 cánh tay).

Thờ phụng Śiva và Śakti tại Khu di tích Mỹ Sơn

Một văn khắc tại Mỹ Sơn (C 72, thế kỷ 5) có dòng mở đầu “siddham namo maheśvara umāñ ca pra... brahmāṇaṃ viṣṇum” (Thành kính. Kính lạy Maheśvara Umā…. Brahmā, Viṣṇu). Cụm từ “maheśvara umā” được Louis Finot (1902) dịch là “Maheśvara” và “Umā”. Maheśvara là một danh xưng của thần Śiva, Umā là hiện thân nữ (śakti) của Śiva.

Trong điêu khắc Ấn Độ, ý niệm này được thể hiện bằng hình ảnh Śiva và nữ thần tựa sát vào nhau, được gọi là tượng Umā - Maheśvara. Ở Khu di tích Mỹ Sơn, đã tìm thấy tượng thần Śiva ở hình thức tượng tròn, đứng độc lập, không gắn liền với một nữ thần, đặt tại tháp C1.

Tượng đồng Durgā Mỹ Sơn, cao 191cm, chuyển trả năm 2023. Ảnh: TTXVN
Tượng đồng Durgā Mỹ Sơn, cao 191cm, chuyển trả năm 2023. Ảnh: TTXVN

Gần đây, các cơ quan an ninh và ngoại giao của Mỹ và Anh chuyển giao cho Việt Nam một pho tượng đồng, trước đây bị buôn bán trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài. Theo hồ sơ điều tra và khai báo của nhà buôn cổ vật, pho tượng được xác định là tượng Durgā, có xuất xứ từ Khu di tích Mỹ Sơn.

Nhiều khả năng đây là pho tượng đã bị lấy đi khỏi ngôi tháp thờ từ rất sớm, vào thời kỳ các đền tháp và tượng thờ ở Mỹ Sơn bị cướp phá trong các cuộc chiến tranh nhiều thế kỷ trước (Văn khắc C 94). Việc phát hiện, trao đổi pho tượng của nhà buôn cổ vật đầu thế kỷ 21 có lẽ đã diễn ra ở vị trí ngoài vùng quản lý của Khu di tích Mỹ Sơn hiện nay.

Một giả thuyết của chúng tôi về nơi từng đặt tượng đồng Durgā là tháp E4. Nơi đây khi người Pháp đến khảo sát đầu thế kỷ 20 đã bắt gặp các điêu khắc đổ nát, trong đó có bức phù điêu Durgā Mahiśāsuramardinī, là bộ phận trang trí trên vòm cửa của ngôi tháp này.

Bên trong lòng tháp lúc đó còn có một tượng đá bị mất đầu; có thể đó là tượng được đặt lại sau khi tượng đồng Durgā bị lấy đi. Nhóm tháp E cũng là nơi đã tìm thấy văn khắc C 96, lập vào năm 658, ghi về các đời vua Champa thời kỳ đầu và mối quan hệ với các đời vua xứ Bhavapura ở phía tây nam. Tháp E4 nằm liền kề với tháp E1, nơi có đài thờ thế kỷ 8.

Một đặc điểm đáng chú ý là vùng Champapura, Bhavapura, Samborpura(Chiêm Thành, Chân Lạp) trước thế kỷ 8 là một không gian văn hóa chia sẻ nhiều tính chất chung hơn là sự chia tách như các thời kỳ sau.

Phải chăng tượng đồng Durgā (E4?) và tượng sa thạch Śiva (C1), với kích thước và phong cách tương đồng, là một cặp tượng thể hiện ý niệm về vị thần tối cao Śiva đi kèm với Śakti, như được tôn vinh với danh xưng Maheśvara Umā ở dòng mở đầu bản văn khắc cổ xưa nhất tại Khu di tích Mỹ Sơn?

VÕ VĂN THẮNG