"Công tác cán bộ" Quảng Nam thời Minh Mạng
Triều Minh Mạng phân hạng địa phương để phân bổ quan lại và xử ý rất nghiêm quan lại vi phạm. Việc sử dụng, quản lý quan lại dưới thời Minh Mạng là bài học còn ý nghĩa đến ngày nay.
Phân hạng địa phương để phân bổ quan lại
Vua Minh Mạng chia phủ, huyện, châu ở các địa phương làm 4 hạng tùy theo công việc khó dễ, số lượng nhiều ít, gồm: xung, phồn, bi, nan.
Xung tức nơi xung yếu, là nơi tiếp giáp với kinh thành hoặc dinh lỵ của các trấn, đạo, việc sai dịch phiền toái bận rộn; nơi đô hội tụ họp đông người, lưu thông nhộn nhịp, sinh hoạt ồn ào dễ sinh gây gổ, trộm cắp; nơi có thế đất hiểm, giặc dễ chiếm làm căn cứ; nơi biên giới hay có giặp cướp quấy nhiễu; nơi có quan lộ nhiều phương tiện giao thông vận tải, công văn, sứ dịch đi lại; nơi có các công trình thủy lợi cần được bảo vệ.
Phồn tức nơi bận rộn, là nơi đất rộng, người đông, số binh lương lớn phải đốc thúc; việc hình án nhiều, phải bận rộn.
Bi tức nơi vất vả, là nơi đồng chua nước mặn, đất đai khô cằn hoặc thấp trũng, dễ hạn, dễ lụt, dân xiêu tán, số hộ giảm sút không thể thu thuế hoặc sưu dịch.
Nan tức nơi khó khăn, là nơi bọn du thủ du thực nhiều, tụ họp làm chuyện côn đồ, cướp giật, trộm cắp; dân điêu toa ngang ngược, lại dịch xảo trá gây thành bè đảng hại nhau; bọn cường hào tham nhũng lo cho tư lợi nhiều.
Theo đó, phủ, huyện, châu nào hội đủ bốn điều kể trên được liệt vào hạng “tối yếu khuyết”, hội ba điều là hạng “yếu khuyết”, hai điều là hạng “trung khuyết”, chỉ có một hoặc không có điều nào là hạng “giản khuyết”. Các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn và hai huyện Duy Xuyên, Hà Đông của Quảng Nam được xếp vào hạng “trung khuyết”, huyện Hòa Vang xếp hạng “giản khuyết”. Điều này cũng cho thấy Quảng Nam lúc bấy giờ tuy được xếp vào hàng 11 tỉnh lớn trong cả nước nhưng tình hình chính trị, xã hội thuận lợi.
Phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, hạng trung khuyết, mỗi phủ có 1 lại mục, 6 thông lại. Huyện Hà Đông, hạng trung khuyết, có 1 lại mục, 5 thông lại; các huyện Hòa Vang, Duy Xuyên, Quế Sơn hạng giản khuyết, có 1 lại mục, 4 thông lại.
Nay, có điều tương tự như Nghị định 33 của Chính phủ cũng dựa trên cơ sở phân hạng phường xã, dĩ nhiên tiêu chí phân hạng có khác xưa để phân bổ chỉ tiêu cán bộ, công chức cấp xã.
Tinh giản và kỷ luật
Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều đình đã tinh giản biên chế dinh Quảng Nam từ 138 viên chức xuống còn 118 người (tỷ lệ giảm biên chế 15%). Cụ thể là giảm chức danh quản lý Cai hợp (4 người); phòng Binh, phòng Hình mỗi phòng giảm 4 người, phòng Hộ giảm 3 người, phòng Công giảm 5 người.
Tri phủ Thăng Hoa kiêm lý công việc huyện Lễ Dương; Tri phủ Điện Bàn kiêm lý công việc huyện Diên Phước. Do vậy, các chức Tri huyện Lễ Dương và Diên Phước đều bãi bỏ.
Trong 20 năm dưới thời vua Minh Mạng, dường như năm nào Quảng Nam cũng có sự điều động, bổ nhiệm quan lại. Đặc biệt có trường hợp trong vòng một năm (1831), nhà vua ba lần thay người giữ chức Hiệp trấn Quảng Nam. Phan Thanh Giản thay Phạm Quang Nguyên (bị cách chức), sau đó Hoàng Công Tài (đang giữ chức Hữu thị lang Bộ Hình) thay Phan Thanh Giản (bị giáng chức), tiếp đến Nguyễn Trọng Vũ (Thự Tham tri Bộ Binh) thay cho Hoàng Công Tài (bị cách chức). Và, Hoàng Công Tài giữ chức Hiệp trấn (sau là Tham hiệp) Quảng Nam chưa được bao lâu thì năm sau đã được triệu về kinh và Lang trung Bộ Lại Phạm Thế Hiển thay thế.
Quảng Nam dưới triều Minh Mạng có nhiều trường hợp quan lại bị giáng chức, cách chức và bãi chức.
Thự Hiệp trấn Quảng Nam Phan Huy Chú do tự tiện đặt ra nhiều chức sắc trông coi vùng đầm phá trong tỉnh, phải bị bãi chức. Tuần phủ Đỗ Khắc Thư phạm tội dung túng thuộc hạ làm nhiều việc sai trái, phải tội cách chức.
Lê Công Tường bị cách chức về tội trước đây khi làm Tham hiệp Quảng Nam đã tráo đổi đường hạng nhất thành đường hạng nhì bán cho thương nhân Pháp để nhận hối lộ tiền chênh lệch.
Án sát Quảng Nam Nguyễn Trọng Nguyên vì xử sai vụ án chồng giết vợ xảy ra trong hạt cũng bị cách chức (sau được tái bổ).
Tuần phủ Nam – Ngãi là Đặng Chương và Án sát sứ Quảng Nam là Phạm Thế Hiển bị cách chức vì phạm tội. Đặng Chương khi còn làm Tham hiệp Quảng Nam đã lấy một người con gái tại địa phương làm vợ lẻ, lại bao bọc cho anh vợ đã bị sa thải vào làm việc trở lại. Phạm Thế Hiển biết việc Đặng Chương phục hồi chỗ làm cho anh vợ nêu trên nhưng không tố cáo.
Lê Bá Tú bị cách chức vì tội không răn dạy được dân kim hộ ở huyện Hà Đông, để dân nói lời oán thán xằng bậy phạm đến uy tín của vua. Liên quan việc này, Hiệp trấn Phạm Quang Nguyên cũng bị cách chức. Tri huyện Hà Đông Hoàng Kim Đản, Huyện thừa Nguyễn Đăng Đạo đều bị cách chức vì tội không biết dạy dân.
Phan Thanh Giản vì tội can ngăn Minh Mạng không nên tuần du Quảng Nam giữa lúc thời vụ đang mùa, nhân dân phải chăm lo việc cấy gặt, vua giận giáng chức. Tuần phủ Nam – Ngãi Vương Hữu Quang nói lời lầm lỗi động chạm đến vua, bị giáng chức.
Tham hiệp Quảng Nam Nguyễn Đức Hội bị cách chức vì tội không dạy được vợ, làm mất uy tín chung của quan lại trong tỉnh. Chuyện là Nguyễn Đức Hội không giữ được khuôn phép gia đình, để cho người vợ bị đuổi đi, về tận kinh đô đánh trống kêu oan, làm nhục lây cả đám quan lại triều đình.
Đặc biệt, vua Minh Mạng rất coi trọng cửa biển Đà Nẵng, nên đã bổ sung cho Ty Bố chính Quảng Nam 1 kinh lịch, 1 bát phẩm thư lại, 1 cửu phẩm thư lại, 4 vị nhập lưu thư lại. Số quan viên này được phái đến trực tiếp làm việc tại cửa biển Đà Nẵng. Vì vậy, nhà vua cũng xử lý hết sức nghiêm khắc quan lại thừa hành thiếu trách nhiệm. Thành thủ úy ở hai đài Điện Hải, An Hải Lê Văn Tường cùng với Nguyễn Văn Ngũ, Trương Văn Loan (Thủ ngự và Hiệp thủ cửa biển Đà Nẵng) đều bị cách chức vì tội để một số quân Pháp tự tiện lên bờ thăm núi Ngũ Hành vào năm 1830.
*
* *
Việc sử dụng, quản lý quan lại dưới thời Minh Mạng là bài học còn ý nghĩa đến ngày nay. Vấn đề công tác cán bộ ở cấp cao theo tinh thần nội dung Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương (khóa XII) hay ở cấp cơ sở theo Nghị định 33 của Chính phủ vừa ban hành gần đây có thể được xem là sự tiếp nối lịch sử.