Lùng bùng thủ tục đất đai - Bài 1: Chậm trễ và ách tắc hồ sơ
Những năm qua, thực hiện chính sách, pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh thường xuyên rơi vào tình trạng ách tắc, chậm trễ, tồn đọng... Trong đợt giám sát chuyên đề vừa qua về lĩnh vực này, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã “điểm danh” nhiều hạn chế tồn tại.
BÀI 1: CHẬM TRỄ VÀ ÁCH TẮC HỒ SƠ
Quy trình giải quyết thủ tục hành chính về đất đai còn vướng mắc, chưa sát thực tế, được cho là nguyên nhân chính khiến công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm trễ, tỷ lệ hồ sơ quá hạn cao ở chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện.
Chưa sát thực tế
Theo báo cáo của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, từ ngày 1/1/2023 đến 30/6/2023, cơ quan chức năng đã tiếp nhận 1.340 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) lần đầu, đã giải quyết 871 hồ sơ, 469 đang giải quyết và 228 trễ hạn (chiếm 17%).
Đối với hồ sơ cấp mới, cấp đổi, cấp lại bìa đỏ, cơ quan chức năng đã tiếp nhận 3.669 hồ sơ, giải quyết được 3.369, đang giải quyết 300 và có 367 hồ sơ trễ hạn (chiếm 10%)...
Những năm trước đây, công tác giải quyết hồ sơ cấp bìa đỏ cũng gặp nhiều ách tắc, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn cao. Nguyên nhân chủ yếu là thủ tục hành chính về đất đai hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, chồng chéo.
Dẫn chứng về những vướng mắc tại cơ sở, ông Nguyễn Xuân Luận - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến (Núi Thành) cho rằng địa phương còn rất nhiều hồ sơ tồn đọng về trường hợp cấp bìa đỏ cho đất trồng cây lâu năm, thậm chí có hộ dân khởi kiện ra tòa.
“Năm 2008, với đất quy hoạch rừng phòng hộ, nhiều người dân đã được cấp bìa đỏ, nhưng còn nhiều hộ chưa được cấp. Gần đây khu vực này đã được đưa ra khỏi quy hoạch rừng phòng hộ, người dân làm hồ sơ đề nghị cấp quyền sử dụng đất trồng cây lâu năm thì không được giải quyết nên họ bức xúc” - ông Luận nói.
Ông Luận nêu: “Trước đây nhà anh có một miếng đất được cấp bìa đỏ là 1.000m2, bây giờ đo đạc lại thì diện tích thực tế là 1.200m2, anh yêu cầu cấp mới bìa đỏ. Theo quy định hiện nay là phải cấp 2 bìa đỏ, trong đó có một là 200m2 rồi sau đó nhập lại. Nhưng khổ nỗi là số diện tích tăng thêm này nằm xung quanh miếng đất cũ, thì cấp làm răng được?”.
Nhiều địa phương cũng gặp khó khăn tương tự. Tại TP.Hội An, theo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố, đối với các trường hợp đã được cấp bìa đỏ, nay có nhu cầu cấp đổi, cấp bổ sung tài sản, hoặc chuyển nhượng cấp đổi… thì cần phải được đo đạc xác định lại ranh giới, diện tích thửa đất theo hệ tọa độ VN2000; khi đo đạc lại thì diện tích có thay đổi tăng hoặc giảm (ranh giới không đổi).
Mặc dù Sở TN-MT đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện việc đăng ký biến động, cấp bìa đỏ đối với phần diện tích tăng hoặc giảm nhưng cách thực hiện ở thực tế vẫn chưa được áp dụng một cách đồng bộ, chính vì vậy hồ sơ cấp bìa đỏ trong những trường hợp này hầu như bị tạm dừng. Đây cũng là nguyên nhân gây bức xúc trong dân do người sử dụng đất không thể thực hiện quyền sử dụng đất của mình mặc dù đã được cấp bìa đỏ.
Vướng nhiều
Theo quy định chức năng về thực hiện thủ tục cấp bìa đỏ, chính quyền cấp xã chỉ thực hiện 4 bước là xác định nguồn gốc đất; xác định thời gian sử dụng; xác nhận quy hoạch; xác nhận tình trạng tranh chấp.
Sau đó hồ sơ được chuyển cho cấp huyện. Tại đây cơ quan chức năng cấp huyện còn phải thực hiện rất nhiều thủ tục rồi mới quyết định cấp sổ đỏ. Quy trình này tốn rất nhiều thời gian mà nguyên nhân chủ yếu là vướng víu nhiều quy định, và cả dữ liệu về quản lý, hiện trạng sử dụng đất đai...
Theo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, thủ tục tổ chức lấy ý kiến khu dân cư, họp hội đồng xác nhận nguồn gốc đất tại cấp xã quy định 15,5 ngày là chưa đảm theo quy định pháp luật vì thời gian công khai niêm yết là 15 ngày, chưa tính thời gian lấy ý kiến khu dân cư.
Theo báo cáo của Sở TN-MT, hồ sơ trên lĩnh vực đất đai được luân chuyển qua nhiều cơ quan (UBND xã, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện, phòng TN-MT, phòng quản lý đô thị, phòng kinh tế hạ tầng, hạt kiểm lâm, chi cục thuế...) nhưng trên phần mềm một cửa điện tử chưa cấu hình đủ hoặc không cấu hình các bước phát sinh theo bộ thủ tục hành chính (TTHC) thay đổi, chưa phân định rõ trách nhiệm, thời gian trong giải quyết TTHC của từng cơ quan, đơn vị liên quan trong việc giải quyết.
Ngoài ra, quy trình giải quyết TTHC liên thông trên phần mềm giữa các đơn vị tại một số địa phương cấp huyện chưa đồng bộ, dẫn đến việc giải quyết TTHC trên phần mềm bị gián đoạn (không kích hoạt), mặc dù hồ sơ giấy đã giải quyết xong nhưng trên phần mềm báo trễ hẹn.
Mặt khác, theo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Núi Thành, quy định của pháp luật đất đai đã có nhiều thay đổi, trong khi đó hồ sơ địa chính thì vẫn dùng hồ sơ 60/CP, 64/CP được lập cách đây hơn 20 năm.
Điều này dẫn đến phần lớn số liệu, hình thể thửa đất trên bìa đỏ không còn đúng với hiện trạng sử dụng theo hồ sơ đo đạc cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; làm tăng tính phức tạp của các hồ sơ (phải phân tích tính pháp lý kỹ càng đối với phần tăng thêm, thể hiện đầy đủ lên hồ sơ kỹ thuật, hướng dẫn đăng ký biến động...).
Trong khi đó, thực tế biến động đất đai lớn. Do thu hồi đất, nhiều dự án quy hoạch xong nhưng không thực hiện, một số dự án bồi thường nham nhở, sau đó điều chỉnh diện tích quy hoạch xuống còn đúng với diện tích đã bồi thường, nên cần phải kiểm tra thực địa, đối chiếu hồ sơ địa chính, cập nhật cơ sở dữ liệu, lập thủ tục đăng ký biến động trình cấp có thẩm quyền ký trước khi trích xuất/trích đo, dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài...
Thực tế vướng mắc tại Điện Bàn, theo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai địa phương này, đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1/7/2014, sau khi bị xử lý vi phạm hành chính, nếu có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì được đăng ký đất đai theo quy định.
Tuy nhiên, các trường hợp sử dụng đất trái phép đã xây dựng công trình từ nhiều năm trước đều không có văn bản xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Do đó, việc cấp bìa đỏ cho công dân trong các trường hợp này chưa thể thực hiện.
Theo lãnh đạo Sở TN-MT, hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh được lập qua nhiều thời kỳ, chủ yếu là lưu trữ dạng giấy, qua thời gian sử dụng và khối lượng biến động đất đai lớn và thường xuyên nên chưa được chỉnh lý, cập nhật kịp thời đã bị biến động phát sinh mới.
Một số hồ sơ địa chính bị ố nhòe, rách nát, mất thông tin về thửa đất; thông tin về chủ sử dụng đất trước đây trong hồ sơ lưu trữ chưa đầy đủ, nhiều trường hợp người sử dụng đất tự ý chuyển đổi, chuyển mục đích, sử dụng đất không đúng ranh giới... dẫn đến sự sai lệch giữa hồ sơ pháp lý và thực tế sử dụng, gây khó khăn cho việc giải quyết các hồ sơ đăng ký biến động đất đai.
-----------------
Bài 2: Màu mỡ “mảnh đất’ dịch vụ thủ tục