Công an Quảng Nam: Nhiều nhiệm vụ tại Đề án 06 nguy cơ chậm hoàn thành
(QNO) - Công an tỉnh Quảng Nam đã tích cực chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ tại Đề án 06 đạt nhiều kết quả, tuy nhiên vẫn còn nhiều nhiệm vụ nguy cơ chậm hoàn thành.
Công an tỉnh đã tổ chức kiểm tra vai trò thường trực, tham mưu triển khai thực hiện Đề án 06 của công an cấp cơ sở tại huyện Thăng Bình, Núi Thành, Phú Ninh, Điện Bàn, Duy Xuyên, Tiên Phước, Hội An, Tam Kỳ, Nam Giang.
Đơn vị cũng đã tổng hợp, rà soát, báo cáo những khó khăn, vướng mắc, những nhóm nhiệm vụ có nguy cơ không hoàn thành trong triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn công an các đơn vị, địa phương tổ chức phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến.
Tính đến ngày 11/11/2023, công an các địa phương đã rà soát hơn 834.000 dữ liệu; trong đó cập nhập được hơn 789.000 dữ liệu, trả lại cho tư pháp cấp xã hơn 45.000 dữ liệu không đảm bảo. Đồng thời triển khai đồng bộ hiệu quả 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.
Toàn tỉnh đã cấp hơn 1,4 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip cho 100% công dân đủ điều kiện, đã tạo lập hơn 931.000 hồ sơ, với hơn 723.000 tài khoản định danh điện tử; đã kích hoạt hơn 626.000 tài khoản (đạt 84,8%). Có 5 địa phương Nam Giang, Nông Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Đại Lộc đã hoàn thành chỉ tiêu kích hoạt tài khoản.
Hiện, tất cả cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip; tỷ lệ quét mã QRcode căn cước công dân thành công đạt 46,29%.
Báo cáo tại buổi làm việc của Tổ công tác Đề án 06 do Phó Chủ tịch UBND Hồ Quang Bửu chủ trì vào chiều nay 13/11, Đại tá Hồ Song Ân - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho hay, hiện nay công tác nhập dữ liệu trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn chậm, nguyên nhân chủ quan do một số tổ chức, hội, đoàn thể chưa cung cấp đầy đủ thông tin để công an cơ sở nhập liệu theo quy định.
Công tác số hóa dữ liệu hộ tịch theo yêu cầu của Bộ Tư pháp đang rất áp lực. Bên cạnh đó, công tác số hóa dữ liệu, kết quả giải quyết thủ tục hành chính để tái sử dụng trong các giao dịch, nộp hồ sơ trực tuyến; công tác số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực; rà soát các thủ tục hành chính để tái cấu trúc nhằm triển khai dịch vụ công trực tuyến theo quy định mới cũng chưa hoàn thành và có nguy cơ chậm tiến độ hoàn thành.