Hiến kế nuôi biển tự nhiên
Trữ lượng hải sản ở các vùng biển giảm mạnh đặt ra vấn đề chuyển đổi từ khai thác hải sản sang nuôi biển tự nhiên để vừa đảm bảo sinh kế cho cộng đồng cư dân ven biển vừa bảo tồn biển, phát triển nguồn lợi.
Chủ trương nuôi biển đã được đề cập, phân tích, bàn bạc tại nhiều diễn đàn. Lần đầu tiên nuôi biển tự nhiên được đề cập là chủ đề chính tại hội thảo “Nuôi biển tự nhiên kết hợp với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản” được Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức cuối tuần qua ở TP.Hội An.
Xu thế tất yếu
PGS-TS. Võ Sĩ Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, sụt giảm trữ lượng hải sản và suy thoái nguồn lợi, đa dạng sinh học biển đã gióng lên hồi chuông báo động từ nhiều năm qua.
Ở các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, Na Uy, Trung Quốc từ những năm 1970 đã “bồi đắp” cho sinh vật biển bằng cách nuôi biển tự nhiên. Thuật ngữ này có nội hàm gồm bảo tồn thiên nhiên, tái tạo nguồn lợi, khai thác hợp lý, cân bằng lợi ích kinh tế với sinh thái biển. Tựu trung lại, các quốc gia đã thả giống các loài hải sản ra các vùng biển tự nhiên và thu hoạch khi chúng đạt kích cỡ thương mại.
Để tạo môi trường thuận lợi cho giống các loài hải sản thả nuôi phát triển, kiến tạo “vườn biển” và khi đó, đa dạng sinh học, sinh thái biển cũng được “sinh sôi”. “Nhiều nước đã nuôi biển ở đáy trên sinh cư tự nhiên bằng cách thiết lập giá thể nhân tạo kết hợp với nuôi rong và đa loài động vật đáy biển” - ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, nuôi biển tự nhiên là xu thế tất yếu. Ở Nhật Bản, người ta thả rạn nhân tạo, xây dựng trang trại rong biển, thảm cỏ biển, rồi nuôi biển, tái tạo các loài thân mềm, cá. Khi các loài hải sản phát triển đạt kích cỡ thì chọn lọc ngư cụ để đánh bắt rồi đánh giá, quan trắc môi trường để tiếp tục thả nuôi biển.
Ở Mỹ, trồng rong trên nền đáy tự nhiên sau đó thả nuôi giống hải sản, nuôi biển tự nhiên kết hợp nghề cá giải trí. Ở Trung Quốc, thực hiện nuôi biển đa loài, đa tầng với các chủng loại rong, vẹm, điệp, sò, hầu, cá kết hợp với các hoạt động giải trí như câu cá, chụp ảnh trải nghiệm cuộc sống ngư dân, tổ chức đám cưới.
Ở Việt Nam, nuôi biển tự nhiên bước đầu hình thành qua thả giống hải sản trong các sự kiện thủy sản hoặc môi trường với các loài tôm sú, cá cảnh, cá thực phẩm. Hay như di dời, quản lý đàn sinh sản kết hợp với hoạt động phục hồi rạn san hô. Hoặc nuôi vẹm xanh, hầu, ngao, nghêu, sò huyết trên bãi triều và vùng nước nông ven biển.
Thúc đẩy nuôi biển tự nhiên
Tại hội thảo, nhiều đại biểu là chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo sở, ngành thủy sản các địa phương đã luận bàn, đề xuất giải pháp phát triển bền vững nuôi biển tự nhiên. PGS-TS. Võ Sĩ Tuấn đề xuất: “Quảng Nam nói riêng, 28 tỉnh, thành phố ven biển nói chung cần nghiên cứu thử nghiệm và chuyển giao công nghệ nuôi biển tự nhiên với các loài sinh vật có giá trị như bào ngư, hải sâm, vú nàng, ốc đụn... phục vụ nhu cầu ẩm thực hải sản cao cấp.
Cần thiết lập, quản lý hiệu quả các vườn biển; nghiên cứu, thiết lập các khu duy trì nguồn giống để nuôi biển thành công và bền vững. Đầu tư xây dựng các trang trại nuôi biển tự nhiên, áp dụng đa loài, khép kín chuỗi thức ăn, kết hợp xây dựng rạn nhân tạo và nuôi lồng bè”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, tiềm năng, dư địa nuôi biển tự nhiên của tỉnh rất lớn. Để phát triển nuôi biển tự nhiên kết hợp với bảo vệ nguồn lợi hải sản, Quảng Nam định hướng thu hút đầu tư mạnh, đến nay bước đầu đã có 25 lồng HDPE nuôi biển của 5 hộ gia đình.
“Chúng ta đang nhấn mạnh bảo tồn biển gắn chặt với nuôi biển tự nhiên là rất đáng quý. Tôi kiến nghị Chính phủ sớm có quy hoạch không gian biển dành cho nuôi biển tự nhiên. Chính phủ nên có quy định rõ ràng, có vậy các doanh nghiệp đủ tiềm lực sẽ đầu tư quy mô lớn trong không gian biển đó.
Chúng ta cũng cần phải truyền thông mạnh vì nguồn lực biển tự nhiên của chúng ra rất lớn và cần có cơ sở dữ liệu chung cho mọi người dân, mọi nhà đầu tư biết được và tham gia” - ông Bửu kiến nghị.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, cả nước có khoảng 50.000 cơ sở nuôi biển, phần lớn hoạt động nuôi biển ở quy mô gia đình, manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, công nghệ lạc hậu và không bền vững vì tác động xấu đến môi trường.
Hiện nay, hoạt động nuôi biển đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu quy hoạch, thiếu thủ tục giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân. Nhà nước chưa ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn và thiếu chính sách hỗ trợ phát triển nghề nuôi biển tự nhiên.
Theo ông Dũng, Việt Nam cần sớm có giải pháp chuyển từ nuôi biển phương thức thủ công sang nuôi biển tự nhiên, ứng dụng công nghệ mới, công nghiệp, hiện đại. Các doanh nghiệp nuôi biển thật sự và quy mô lớn thì chỉ có dưới 10 doanh nghiệp. Đây là sự chênh lệch rất lớn trong nghề cá.
Nghề nuôi biển tự nhiên mới chỉ tập trung khu vực nhỏ của nhân dân, cần phải nhanh chóng chuyển từ phương thức thủ công qua công nghiệp quy mô lớn, đầu tư bài bản, khơi thế mạnh để thu được giá trị kinh tế cao gắn với bảo tồn biển, bảo vệ đa dạng sinh học, sinh thái biển. Sẽ kiến nghị Chính phủ khơi thông vấn đề giao biển lâu dài cho dân.