Thu nhập ổn định từ nghề trồng cây cảnh bonsai
(QNO) - Hơn 25 năm kinh nghiệm chăm sóc và tạo dáng cho cây cảnh, ông Lê Đức Hùng (59 tuổi, thôn Đông Khương 2, phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn) đã cho ra đời nhiều tác phẩm bonsai độc đáo vừa đem lại giá trị kinh tế cao.
Trong khu vườn của ông Lê Đức Hùng, những chậu cây cảnh, bonsai với nhiều kiểu dáng lạ, tò mò người xem. Ngoài công việc dạy học ở trường, ông còn dành thời gian chăm sóc những "đứa con tinh thần" của mình. Ban đầu, không đủ tiền để chơi những tác phẩm bonsai, ông đã tự tìm mua những cây phôi, hoặc tìm quanh vườn, sưu tầm ngoài tự nhiên rồi mang về tạo dáng.
Ông Lê Đức Hùng bộc bạch: “Chơi bonsai là không làm lại những kiểu mẫu trước đó mà phải sáng tạo, phá cách mới cho ra những sản phẩm độc lạ, từ đó thu hút người cùng đam mê. Ngoài ra, tôi cũng luôn trao dồi và phát triển thêm nhiều mẫu mã, giống cây mới, làm đa dạng cho khu vườn và phục vụ thị hiếu người chơi cây cảnh".
Vườn bonsai của ông Hùng rộng khoảng 500m², với hơn 500 chậu cây cảnh như sanh, si, mai, duối… Phần lớn các tác phẩm nghệ thuật dùng để trang trí nội thất, ban công, sân vườn. Mỗi tác phẩm bonsai đều có hình dáng, kiểu thế với một vẻ đẹp riêng biệt.
Mỗi chậu cây trong vườn Lê Đức Hùng có giá trị từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng được chính bàn tay ông tạo ra. Từ ý nghĩ đơn thuần là mong muốn có được một khu vườn trồng nhiều cây xanh để có được môi trường trong lành, dần dà nghề trồng và kinh doanh cây cảnh đã "bén duyên" với ông Hùng.
“Để tạo thành một bonsai có hồn, có giá trị đòi hỏi người trồng phải có bàn tay khéo léo và đôi mắt thẩm mỹ để sáng tạo nên nhiều sản phẩm đa hình vạn trạng. Người chơi cây cảnh luôn xác định “nhất đế - nhì thân – tam cành – tứ lá”, biến những cây tưởng chừng vô tri, vô giác thành sản phẩm bonsai có thông điệp về cuộc sống” – ông Hùng chia sẻ.
Mỗi năm, doanh thu từ kinh doanh cây cảnh đem lại cho ông Hùng từ 150 - 200 triệu đồng. Ngoài việc kinh doanh, ông Hùng còn tận dụng khu vườn để mời bạn bè có cùng đam mê cây cảnh đến chiêm ngưỡng, uống trà và chia sẻ kinh nghiệm.
Trong những năm qua, ông Hùng đưa nhiều tác phẩm bonsai của mình đi dự thi, tham gia triển lãm sinh vật cảnh khắp các địa phương trong tỉnh và từng đoạt giải cao. Hiện nay, ông Hùng đang khẩn trương hoàn tất hồ sơ để gửi tỉnh và Hội Sinh vật cảnh Việt Nam xem xét công nhận nghệ nhân cây cảnh.
Nói về dự định tương lai, Lê Đức Hùng cho biết sẽ mở rộng diện tích khu vườn, đồng thời tăng thêm số lượng cây để đa dạng mẫu mã và dáng thế; đồng thời sẵn sàng mang các sản phẩm cây bonsai tham gia tại các hội chợ, lễ hội trong tỉnh.
Ông Đoàn Công Đạo - Phó Chủ tịch UBND phường Điện Phương cho biết, hiện nay địa phương có khoảng 4 hộ trồng cây kiểng, bonsai. So với làm vườn thì trồng bonsai, cây kiểng hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn.
"Những năm qua tại hội nghị nông dân sản xuất giỏi, lễ hội văn hoá ẩm thực làng nghề ở địa phương, các nhà vườn này họ mang cây kiểng, bonsai tới trưng bày, triển lãm để tạo cơ hội cho hội viên nông dân trên địa bàn phường tham quan, học hỏi; đồng thời được chính quyền kiểm tra, hỗ trợ chính sách phát triển nghề trồng hoa, cây kiểng" - ông Đạo nói.
Theo ông Phạm Đình Tuấn Ngọc - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thị xã Điện Bàn, trên địa bàn thị xã có khoảng 28 - 30 hội viên chơi cây bonsai nghệ thuật. Ông Lê Đức Hùng tham gia và trở thành hội viên của hội từ năm 2018 đến nay.
"Vườn cây bonsai nghệ thuật của ông Hùng tương đối đa dạng và phong phú về thể loại. Các hội viên của hội thường gặp gỡ học hỏi, trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây kiểng, ông Hùng cũng khá cởi mở và chia sẻ nhiệt tình" - ông Ngọc nhận xét.
[VIDEO] - Ông Hùng chia sẻ niềm đam mê chơi cây cảnh nghệ thuật: