Khách Tây về làng chài
(VHQN) - Không ít người dân ở vùng biển ngang Tam Tiến (huyện Núi Thành) ngỡ ngàng khi gần đây xuất hiện nhiều du khách ngoại quốc cùng đi chợ cá và trải nghiệm hoạt động khai thác hải sản tại khu vực rạn Bà Đậu.
“Mua” niềm vui ở chợ cá
Một buổi sớm mai huyên náo tại chợ cá trên bãi biển của làng chài thôn Hà Lộc (Tam Tiến), nhiều người vẫn nhận ra sự có mặt của các vị khách đặc biệt. Đó là những du khách ngoại quốc đang chen vào khu vực mua bán tấp nập với máy ảnh cầm tay và nụ cười thích thú khi chứng kiến không khí ồn ã của một phiên chợ được cho là “có một không hai” của vùng ven biển Quảng Nam.
Chợ dập dềnh người và thúng chai theo từng con sóng xô vào mép bờ cát; từng thúng mủng ki rổ hải sản tươi rói được bưng ra khỏi thúng chai...; được nhiều bàn tay cùng kéo đi như chạy lên bãi...; và được mua bán chớp nhoáng để kịp chuyển đi nơi khác tiêu thụ.
Không khí cấp tập đó đã làm nhiều vị khách quốc tế thích thú. Một du khách đến từ nước Anh bày tỏ sự thú vị về trải nghiệm của mình với hướng dẫn viên: “Nhìn kìa, một loạt thúng ăm ắp cá nữa vừa cập bờ. Trong cái không khí nhộn nhịp bán mua này, hình như có một thứ trật tự đã được giao ước từ trước. Một phiên chợ quá sống động...”.
Anh Võ Hồng Rôn, chủ một cơ sở dịch vụ du lịch ở thôn Hà Lộc cho biết, vài năm trở lại đây, chợ cá Tam Tiến được nhiều phương tiện truyền thông và mạng xã hội thường xuyên giới thiệu nên du khách, đặc biệt là khách quốc tế tìm đến ngày càng đông. Hơn nữa, dịch vụ lưu trú ở đây đang phát triển, đã tạo thuận lợi cho du khách khám phá vùng biển xinh đẹp này...
Bạn biển với “ông Tây”
Một điều hấp dẫn nữa của làng chài Hà Lộc là hoạt động khai thác hải sản ven bờ với đa dạng phương thức, đặc biệt là những nghề thô sơ ở khu vực rạn Bà Đậu.
Mành mùng, lưới dày, lưới sưa hay câu dây... đều là những loại hình khai thác “ngắn ngày” mà du khách có thể “ra khơi” cùng ngư dân. Một đêm lênh đênh cùng tàu thuyền sáng choang ánh điện, hay thậm chí với chiếc xuồng con hoặc thúng chai, du khách đều có được cảm xúc đặc biệt về đời sống biển giã của ngư dân địa phương.
Michael O’ Connor - du khách đến từ Cộng hòa Ireland đã nhiều lần cùng ngư dân “ra khơi” trên chiếc ghe câu. Ông nói mình là bạn của họ, là “học viên” đặc biệt của ngư dân, dù việc câu kéo đã có nhiều kinh nghiệm.
Bởi câu cá cùng ngư dân ở đây dù không có quá nhiều quy định về ngư trường, nhưng việc tùy cơ ứng biến với “vùng khai thác” thì luôn diễn ra trên suốt chuyến biển. Và đó chính là cái thú của một người thích khám phá như ông.
Cũng vì xem ngư dân là những người bạn nên mỗi khi có nhu cầu, ông Michael O’ Connor đều xin “đi bạn” trên một chiếc ghe quen. Và chính cái tâm thế là bạn biển ấy, ông chia sẻ, mình có thể cảm thụ trọn vẹn cái thú là một ngư dân thực thụ, chứ không phải những điều kiện có sẵn của một du khách đang sử dụng dịch vụ.
Huỳnh Công Bảo (ngư dân địa phương) thường được ông Michael O’ Connor “nhờ vả”, nói: “Khi nào biển thật êm mình mới chở ổng đi. Chủ yếu là đi câu các loại cá quanh khu vực rạn Bà Đậu. Chuyến đi thường bắt đầu từ tờ mờ sáng đến khoảng 10 giờ trưa là vào bờ. Ông Michael O’ Connor tính tình rất vui vẻ, ổng nói mỗi chuyến biển là lần nạp lại năng lượng để tiếp tục với công việc”.
Theo anh Võ Hồng Rôn, gần đây, tại làng chài Tam Tiến nhiều khách Tây có nhu cầu đi biển nhưng họ thường liên hệ các cơ sở dịch vụ chuyên nghiệp. Còn những người không chuyên nghiệp như anh Bảo, là một phần sống động trong bức tranh điểm đến du lịch của địa phương!