Sưu tầm 76 mô hình, vật dụng của người Cơ Tu
Dân số của huyện Đông Giang gồm có 25.754 người với 16 thành phần dân tộc anh em đang sinh sống; trong đó người Cơ Tu chiếm tỷ lệ 76,43%.
Thời gian qua, địa phương đã chú trọng bảo tồn, khôi phục giá trị văn hóa truyền thống vật thể, phi vật thể của người Cơ Tu. Đối với văn hóa vật thể, huyện tổ chức điều tra, nghiên cứu và sưu tầm nguồn gốc một số tộc họ Cơ Tu thông qua các câu chuyện truyền miệng dân gian.
Sưu tầm 76 mô hình, vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người Cơ Tu. Điển hình như mô hình gươl, làng truyền thống, cây nêu, hòm đôi; nhạc cụ có trống, chiêng, đàn abel, đàn ahen, sáo, tù và; đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ sản xuất có gùi nam, gùi nữ, vợt xúc cá, nỏ; trang phục thổ cẩm nam nữ, trang phục từ vỏ cây.
Việc nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn sách, tư liệu nghiên cứu về văn hóa Cơ Tu được quan tâm thực hiện, đơn cử như 8 câu chuyện cổ song ngữ; sách tập hợp 15 bài tế, cúng… Đối với văn hóa phi vật thể, địa phương sưu tầm, nghiên cứu cách thức chế biến món ăn truyền thống để ăn kèm với cơm lam và bánh sừng trâu.
Phục dựng thành công lễ kết nghĩa, lễ mừng lúa mới, nghi lễ tìm đất lập làng. Duy trì và phát triển nghề thủ công truyền thống, như dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, điêu khắc gỗ. Đồng thời, duy trì nghệ thuật trình diễn dân gian: nói lý - hát lý, múa tân tung da dá, hát giao duyên, biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Trong đó, nghề dệt thổ cẩm, nghệ thuật nói lý - hát lý, múa tân tung da dá đã được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” vào các năm 2014, 2015.