Giá gạo "thất thường" trên thị trường

VIỆT NGUYỄN 16/11/2023 06:24

Giá gạo ổn định ở siêu thị nhưng tăng khá mạnh ở các quầy hàng, chợ truyền thống. Hiện nay ngành quản lý thị trường chú trọng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa để tránh đầu cơ, thu lợi bất chính.

Người tiêu dùng chọn mua gạo ở siêu thị Co.opMart Tam Kỳ. Ảnh: Q.VIỆT
Người tiêu dùng chọn mua gạo ở siêu thị Co.opMart Tam Kỳ. Ảnh: Q.VIỆT

Mỗi nơi mỗi kiểu

Chỉ trong vòng một tháng qua, giá gạo thơm lài của Công ty TNHH MTV Mai Tư Hoảnh bán ở các quầy hàng tư nhân tăng từ 140 nghìn đồng/10kg lên 190 nghìn đồng/10kg. Gạo thơm lài của nhiều doanh nghiệp khác cũng tăng giá bán tương tự ở các chợ, quầy hàng. Như vậy, mỗi ký gạo tăng đến 5 nghìn đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Anh Nguyễn Văn Viên (ở phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ), cho biết: “Tôi là lao động tự do, thu nhập không ổn định nên giá gạo tăng ảnh hưởng đến đời sống vì là mặt hàng thiết yếu. Đơn cử, trước đây tôi ăn cơm tốn 25 nghìn đồng/dĩa nay đã tăng lên 30 nghìn đồng/dĩa”.

Gạo là mặt hàng thiết yếu, nhiều doanh nghiệp bán lẻ ở các tỉnh, thành phố phạm vi cả nước đã đưa các mặt hàng này tham gia chương trình bình ổn thị trường với lượng hàng lớn. Ở Quảng Nam, chương trình bình ổn giá đã dừng lại khoảng 10 năm qua nên mặt hàng gạo không được bình ổn.

Bà Trần Thị Như Lai cho biết, siêu thị Co.opMart Tam Kỳ đã chủ động nguồn cung, tiếp tục ổn định giá bán gạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng gạo tăng mạnh của người dân, doanh nghiệp, cơ sở chế biến từ nay cho đến cuối năm, dịp tết.

Ở siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, giá gạo không thay đổi từ tháng 8 đến nay. Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho biết, siêu thị chuẩn bị gạo từ nhiều tháng trước, định sẵn giá bán theo kế hoạch nên khi gạo tăng giá ở các chợ thì hầu như các mặt hàng gạo đều giữ ổn định. Hơn nữa, đang mùa khuyến mãi nên nhiều mặt hàng gạo giảm giá đến 10%.

Cụ thể, gạo Nàng Hoa thơm dẻo được bán với giá 55,5 nghìn đồng/2kg, giảm 10 nghìn đồng so với trước. Gạo thơm Cát Tường ST24 bán 146 nghìn đồng/5kg, giảm 9 nghìn đồng so với trước. Gạo Long Châu 66 Cỏ Mây bán 171 nghìn đồng/5kg, giảm 19 nghìn đồng so với tháng trước...

“Giá gạo không tăng nhiều như ngoài thị trường nhờ siêu thị làm việc với nhà cung cấp từ sớm và chốt được giá bán. Nguồn cung ở mức ổn định, siêu thị không tăng giá, lại kích cầu tiêu dùng bằng cách giảm giá khá sâu” - bà Lai nói.

Giữ lành mạnh thị trường gạo

Trước diễn biến khó lường của thị trường gạo từ nay đến cuối năm, ông Lương Viết Tịnh - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, đang giao các đội quản lý thị trường ở các huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát tình hình giá gạo. Kiểm tra các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán.

Mục tiêu ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ và xử lý nghiêm theo quy định.

Bà Đỗ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết, qua theo dõi có nhận thấy giá gạo tăng khá mạnh ở các chợ, quầy hàng kinh doanh gạo; tuy vậy gạo không khan hiếm.

Giá gạo bên ngoài thị trường tăng do chịu ảnh hưởng diễn biến chung giá gạo thế giới tăng, tác động của cán cân cung - cầu. Tuy nhiên, với các hệ thống bán lẻ như Co.opMart giá gạo hầu hết vẫn giữ ở mức ổn định nhờ nguồn cung dồi dào.

Theo Sở Công Thương, Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị của Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện sửa đổi nghị định số 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Bộ Công Thương đang phối hợp các bộ, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường gạo thế giới, sản xuất lúa gạo, diễn biến cung cầu, giá cả thị trường gạo nội địa để tham mưu Chính phủ điều hành hợp lý, hiệu quả giá gạo ở tầm vĩ mô. Trong khi đó, hiện nay nhiều địa phương của tỉnh đang huy động gạo từ nhiều nguồn để hỗ trợ cho các hộ khó khăn, gia đình neo đơn.

Trong điều kiện giá lúa gạo tăng mạnh, nhiều ý kiến cho rằng Sở NN&PTNT cần tham mưu UBND tỉnh có giải pháp xây dựng, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo, một mặt tăng lợi nhuận cho người nông dân, mặt khác không để cho tư thương, đậu nậu lợi dụng tăng giá lúa gạo của thị trường thế giới để thao túng.

VIỆT NGUYỄN