Xây dựng đời sống văn hóa ở Đông Giang
Gắn kết với các cuộc vận động khác, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở huyện Đông Giang góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Điểm nhấn...
Triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, 40/40 thôn của Đông Giang đã xây dựng “Quy ước thôn văn hóa” và được UBND huyện ban hành quyết định công nhận. Qua thực hiện hương ước, quy ước, cộng đồng dân cư đã giữ gìn, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp.
Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, xây cất mồ mả, tổ chức lễ hội dần được bài trừ đã góp phần thực hành tiết kiệm chống lãng phí; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Theo ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, người dân triển khai quy ước, hương ước còn là hành động cụ thể hóa Nghị quyết số 12 ngày 7/9/2021 của Huyện ủy Đông Giang về tập trung lãnh đạo ngăn chặn tảo hôn và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang giai đoạn 2021 - 2025.
Gắn kết với các phong trào và cuộc vận động khác, nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình xuất hiện. Đơn cử giữa thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, chị Alăng Thị Hái - hội viên Chi hội Phụ nữ thôn A Xanh Gố (xã Zà Hung) tích cực vận động hỗ trợ người dân gặp khó khăn, tham gia chăm lo bữa ăn cho các lực lượng làm nhiệm vụ chốt chặn, phòng dịch.
Hay tại xã Sông Kôn, Chi hội Phụ nữ thôn Bhlô Bền thông qua mô hình góp vốn xoay vòng không lãi, “nuôi heo đất” đã tạo điều kiện cho hội viên có kinh phí đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi để cải thiện thu nhập.
Ông Đỗ Hữu Tùng cho hay, qua thực hiện lồng ghép, phong trào thể thao quần chúng được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Nhờ đó, huyện có điều kiện phát hiện, tuyển chọn vận động viên tham gia thi đấu TD-TT ở tỉnh, khu vực đạt kết quả cao.
Ngoài ra, việc xây dựng và đưa vào hoạt động của các trung tâm văn hóa - thể thao xã và nhà văn hóa, khu thể thao thôn có tác động tích cực đến nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền và người dân, nhất là các xã đang xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện và nâng cao hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở; góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội ở nông thôn.
Xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, xã văn hóa nông thôn mới hay cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa có sự chuyển biến rõ nét. Đặc biệt, xây dựng gia đình văn hóa tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng, là nội dung cốt lõi và nhân tố tích cực quyết định chất lượng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Thống kê năm 2022, Đông Giang có 6.465/7.467 hộ được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” (tỷ lệ 86,58%), đạt 103% so với kế hoạch đề ra; trong đó 3.680 hộ giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa” 3 năm liên tục trở lên…
Phát huy bản sắc văn hóa
Chính quyền Đông Giang thẳng thắn nhìn nhận, công tác tuyên truyền về nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với các phong trào và cuộc vận động khác có nơi, có lúc chưa thường xuyên.
Trước yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm của đội ngũ làm văn hóa cơ sở chưa đáp ứng kịp, lại thường xuyên thay đổi. Ngân sách hỗ trợ các hoạt động còn hạn chế; công tác xã hội hóa, vận động xây dựng thiết chế văn hóa thì hiệu quả chưa cao.
Ông Đỗ Hữu Tùng chia sẻ, Đông Giang đã tiếp tục củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp huyện, cấp xã.
Trước mắt, địa phương sẽ đẩy mạnh truyền thông, thông tin tuyên truyền, vận động làm chuyển biến nhận thức của các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân về vị trí, vai trò của phong trào này; gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững.
Rà soát, hướng dẫn sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước và kiểm tra, thẩm định theo đúng nguyên tắc, trình tự thủ tục quy định tại Quyết định số 22 ngày 8/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Nâng cao chất lượng xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ văn hóa ở cơ sở...
Đặc biệt, Đông Giang chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của tộc người Cơ Tu và được Đảng bộ huyện xác định là một trong những nhiệm vụ then chốt, hàng đầu.
Do vậy, địa phương đã xây dựng đề án “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Cơ Tu gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Đông Giang giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Việc thực hiện đề án này sẽ gắn với ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục lạc hậu; đồng thời phát triển văn hóa, xây dựng con người mới, nếp sống mới, góp phần tạo nên những giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Cơ Tu.
Giá trị văn hóa truyền thống sẽ trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; lấy bảo tồn, phát huy bản sắc truyền thống tốt đẹp làm điều kiện cốt lõi để xây dựng môi trường du lịch xanh, bền vững.