Chương trình cà phê doanh nhân: Chia sẻ để tìm giải pháp phát triển
Chương trình cà phê doanh nhân lần thứ 2 với chủ đề “Giải pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ Quảng Nam vừa tổ chức đã thu hút đông đảo doanh nhân đến trao đổi, chia sẻ, tìm giải pháp phát triển trong bối cảnh kinh tế suy thoái.
Chuyển đổi số để tồn tại
Không dừng lại ở quy mô một chương trình cà phê doanh nhân bình thường, ở lần thứ 2 tổ chức, Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ Quảng Nam đã kết nối, mời được 2 diễn giả khá nổi tiếng đến từ TP.Hồ Chí Minh (ông Trần Bằng Việt - Chuyên gia cao cấp, Tổng Giám đốc Đông A Slutions và ông Nguyễn Công Tẩn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Citek) để chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm bổ ích cho hội viên doanh nhân trẻ Quảng Nam và Đà Nẵng.
Doanh nhân trẻ Quảng Nam – Đà Nẵng đồng hành
Ông Lê Trí Hải - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.Đà Nẵng cho biết, Hội Doanh nhân trẻ Quảng Nam và TP.Đà Nẵng cần xúc tiến, tổ chức nhiều sự kiện để kết nối, tạo cơ hội giao lưu nhằm mang lại những giá trị và hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp 2 địa phương. Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng sẽ đồng hành, gắn kết với Quảng Nam để xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh. Theo ông Phan Ngọc Minh - Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ Quảng Nam, hội viên doanh nhân trẻ Quảng Nam cần xem việc tham gia vào câu lạc bộ là cơ hội để có nhiều mối quan hệ, qua đó xây dựng năng lực cho chính bản thân, doanh nghiệp của mình.
Các diễn giả đã cung cấp nhiều giải pháp quý trong điều hành, xây dựng doanh nghiệp; đặc biệt là phát triển bền vững doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn suy thoái kinh tế cũng như việc chuẩn bị nguồn lực trong giai đoạn tiếp theo.
Theo ông Trần Bằng Việt, trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới và trong nước sẽ còn tiếp diễn, việc ý thức rõ hiện trạng sẽ giúp doanh nghiệp có những bước chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.
Ông Việt nêu ra “4 ngành, 3 xu hướng” mà doanh nghiệp cần quan tâm, đầu tư để phát triển bền vững. Trong đó, 4 ngành gồm giáo dục, y tế sức khỏe, lương thực thực phẩm và năng lượng.
“Đây là những ngành sẽ được hưởng lợi trong thời gian sắp tới bất kể chuyện gì xảy ra trên thế giới và Việt Nam. Nếu doanh nghiệp các anh chị trực tiếp tham gia vào hoặc khách hàng các anh chị tham gia thì đều có cơ hội “đu theo” và thành công” - ông Việt nhận định.
Ông Việt cho rằng một trong 3 xu hướng doanh nghiệp cần phải quan tâm đó là chuyển đổi số. Nếu trước đây tin học hóa là cần thiết thì bây giờ buộc phải chuyển đổi số để giảm bớt chi phí và nắm được thông tin khách hàng, thị trường tốt hơn…
Nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số, ông Việt đưa ra lời khuyên: “Nếu doanh nghiệp chúng ta từ chối tái cấu trúc, thay đổi tư duy để ứng dụng khoa học công nghệ thì mình sẽ bị đào thải, bị thua trên chính mảnh đất của mình, thua trên chính ngành mình mạnh nhất.
Doanh nghiệp nào rồi cũng phải chuyển đổi số, do đó cần làm nhanh, làm sớm. Đặc biệt, sẽ càng lợi thế cho những doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh, cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho xu hướng chuyển đổi số”.
Hiến kế cho doanh nghiệp
Chia sẻ tại chương trình cà phê doanh nhân, các diễn giả cho rằng, để nhận định thời điểm cụ thể kinh tế phục hồi là rất khó. Vì vậy, doanh nghiệp phải chuẩn bị cho cuộc đua dài; cần dè xẻn nguồn lực và chuẩn bị năng lực kỹ lưỡng hơn.
Bà Lê Thị Bích Luyện - Giám đốc Công ty TNHH Triết Minh đặt vấn đề: “Doanh nghiệp hiện kinh doanh các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Trong thời khủng hoảng, doanh nghiệp phải bóp chặt chi phí, vậy cần chọn lựa kênh truyền thông nào hiệu quả nhất và tiết kiệm chi phí?”.
Theo ông Trần Bằng Việt, với mỗi sản phẩm sẽ có một phân khúc khách hàng hướng đến lý tưởng nhất, cho nên doanh nghiệp cần quan sát xem họ quan tâm đến điều gì, sử dụng sản phẩm cho nhu cầu thế nào, chấp nhận mức chi tiêu ra sao… Trên cơ sở đó phân tích sâu để xác định kênh truyền thông hiệu quả nhất.
Các chuyên gia cũng đề nghị, trong bối cảnh hiện tại, thay vì đi tìm khách hàng mới thì các doanh nghiệp nên tập trung chăm sóc tốt khách hàng đang có. Phải xác định làm chắc, làm ít ăn chắc; tập trung tối ưu vận hành, một trong số đó là công nợ, làm sao để thu tiền nhanh nhất là mấu chốt…
Ông Trần Bằng Việt nói: “Điều duy nhất có thể thay đổi là năng lực vận hành, cách thức tổ chức sản xuất trong doanh nghiệp của mình, chứ không phải yếu tố bên ngoài… Do đó, doanh nghiệp hãy tập trung cải tiến, cải tạo mô hình kinh doanh, cách thức tổ chức bên trong doanh nghiệp, nâng cao năng lực đội ngũ…”.
Xu hướng thứ 2, doanh nghiệp cần lưu ý trào lưu “cá nhân hóa”. Theo các chuyên gia, đã qua rồi thời kỳ mà người mua chỉ cần hàng hóa tốt, bảo đảm chất lượng là được. Bây giờ, điều khách hàng cần còn là sản phẩm, dịch vụ có phù hợp với nhu cầu cá nhân, doanh nghiệp hay không.
Theo ông Nguyễn Công Tẩn - một doanh nhân người Quảng Nam thành công tại TP.Hồ Chí Minh, xu hướng chuyển đổi số và cá nhân hóa là điều doanh nghiệp cần quan tâm. Tư duy chuyển đổi số hiện khác với ngày xưa, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể học cách chuyển đổi số của các công ty, tập đoàn lớn, mà phải biết tìm phương thức riêng. Cho nên nhân sự trong doanh nghiệp phải có khả năng tiếp cận công nghệ và tự cá nhân hóa theo cách của mình để linh hoạt trong kinh doanh và dễ dàng tiếp nhận cái mới với chi phí thấp.