Giám sát là khâu then chốt nâng cao hiệu lực hoạt động của Quốc hội

MỸ LINH 17/11/2023 14:14

(QNO) - Sáng nay 17/11, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị triển khai chương trình giám sát Quốc hội năm 2024 tại Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh hội nghị triển khai chương trình giám sát Quốc hội năm 2024 tại Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Tham dự hội nghị còn có các Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và đại biểu 62 điểm cầu trên cả nước.

Tại điểm cầu Quảng Nam, đồng chí Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Dương Văn Phước và đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham gia.

Hội nghị tập trung đánh giá khái quát tình hình triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 và triển khai các nội dung thuộc chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tham gia hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: M.L
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham gia hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: M.L

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, năm 2023, các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH được thực hiện có hiệu quả, có nhiều đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức thực hiện, được triển khai toàn diện, đồng bộ, ngày càng đi vào thực chất.

Qua đó, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả, phản ứng linh hoạt, nhạy bén trước những vấn đề thời sự quan trọng của đất nước. Tăng tính dân chủ, pháp quyền, công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát, tạo hiệu ứng lan tỏa về tinh thần hành động tích cực, góp phần tạo chuyển biến toàn diện cả về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và vấn đề được giám sát.

Triển khai chương trình giám sát năm 2024, Quốc hội sẽ thực hiện giám sát tối cao 2 chuyên đề về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và về một số dự án quan trọng quốc gia; chuyên đề về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức 2 phiên chất vấn.

Tại Kỳ họp thứ 7, thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tiến hành chất vấn việc thực hiện 4 nghị quyết về chất vấn và 4 nghị quyết về giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Tại hội nghị này, ngoài việc đánh giá những kết quả đạt được, các đại biểu cũng làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan trong các hoạt động giám sát. Đồng thời đề xuất các kiến nghị, giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024, góp phần đưa các chính sách, pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, bảo đảm có hiệu quả cao, đáp ứng sự mong mỏi của người dân và cử tri cả nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là nhiệm vụ quan trọng luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm quán triệt chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện. Thông qua các hoạt hoạt động giám sát đã phát hiện, chấn chỉnh và có biện pháp kiến nghị xử lý những thiếu sót hạn chế vi phạm và hoàn thiện thể chế, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề xuất, kiến nghị đối với việc thực hiện Chương trình giám sát năm 2024.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ một số trọng điểm trong hoạt động giám sát của Quốc hội trong năm 2024. Theo đó, đồng chí yêu cầu tập trung cao độ cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết liên tịch để tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. 

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các Đoàn giám sát chuyên đề cần tận dụng tối đa các tài liệu hồ sơ sẵn có liên quan đến vấn đề giám sát, nhất là những nội dung trong quá trình thảo luận để thông qua các luật sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp này hoặc là tại kỳ họp. Đồng thời tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát. Tập trung đổi mới, tiếp tục tạo chuyển biến về chất trong hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu tham dự hội nghị tại Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung được xác định là một trong các khâu trọng tâm then chốt để nâng cao hiệu lực hoạt động của Quốc hội.

Đồng chí nêu rõ chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát có tác động quan trọng không chỉ liên quan đến chất lượng của hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước mà còn liên quan đến toàn bộ hoạt động của nhà nước.

Hoạt động giám sát không chỉ đạt mục đích, phát hiện ra vấn đề, đưa ra các kiến nghị mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát và thực thi các kiến nghị một cách nghiêm túc. Những sai phạm phải được xử lý; những chính sách chưa hoàn thiện phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.

MỸ LINH