Thầy giáo... 2D
Gần tới ngày 20/11, tôi bỗng dưng muốn hỏi 2 đứa cháu gọi tôi bằng bác “thầy giáo nào các cháu muốn học nhất?”. Tôi bất ngờ trước danh sách các cháu đưa ra như sau: Hatake Kakashi, Doi Hansuke, Koro-sensei...
Vậy những người Nhật vừa được nêu tên kia là ai, có phải là vĩ nhân, tác giả hay nhà giáo dục nào lớn chăng? Thưa, họ còn không phải là người thật mà chỉ là nhân vật trong các bộ anime/manga mà các cháu tôi hay xem vào giờ cơm.
Vậy các nhân vật này đã làm gì mà khiến các cháu tôi muốn chui vào thế giới 2D để được học với họ? Koro-sensei là nhân vật chính trọng bộ “Ansatsu Kyōshitsu”, còn được gọi là thầy giáo bạch tuộc (vâng thầy giáo được cháu tôi yêu quý nhất là một con bạch tuộc!).
Bỏ qua các yếu tố ngoài lề, thầy giáo trong bộ truyện đã chọn làm giáo viên của một lớp học kém nhất, bị giáo viên khác và học sinh coi thường, ông đã giúp học sinh cải thiện sự tự tin, hiểu rõ giá trị bản thân, và nhiều tập của truyện thực sự làm người xem xúc động.
Còn Doi Hansuke là thầy giáo trong “Ninja loạn thị”, một bộ truyện thiếu nhi hài hước nhưng chứa nhiều thông điệp sâu sắc về một trường học ninja tiểu học, với các học sinh lười và siêu quậy.
Các thầy giáo trong truyện tuy khó tính nhưng luôn coi học sinh như con mình, các bài học luôn gắn với thực hành với nhiều hoạt động ngoài trời, trong các hoạt động nhiệm vụ ninja các thầy đều cải trang theo dõi bảo vệ học sinh, lo lắng bảo vệ các em.
Tương tự, “Naruto” cũng là một bộ truyện tranh về thế giới ninja nhưng dành cho nhóm bạn đọc trưởng thành hơn. Ba người thầy trong truyện thay phiên nhau đảm nhận vai trò người cha của nhân vật chính Naruto, tuy biết học trò mình có nhiều nhược điểm nhưng các thầy luôn tin tưởng tuyệt đối, đánh giá đúng khả năng.
Các thầy không phải là người giỏi nhất, mạnh nhất nhưng luôn có những học trò xuất sắc hơn thầy, luôn xả thân bảo vệ học trò trước hiểm nguy. Các cháu tôi cho rằng bài học đầu tiên của thầy Kakashi là sự đoàn kết là điều làm cháu thích nhất.
Bỏ qua nội dung, tình tiết chiến đấu đặc trưng, tình tiết hư cấu của phong cách truyện tranh Nhật Bản, nếu tách riêng ra những nhân vật này, có thể hiểu vì sao không chỉ mỗi 2 đứa cháu của tôi coi những nhân vật 2D này là thần tượng, là người thầy mẫu mực.
Không riêng các cháu tôi, lướt qua bình luận trên các trang mạng xã hội có thể thấy các cháu không đơn độc khi có thể bắt gặp nhiều comment (bình luận) dạng: ước gì mình được vào học lớp này, nếu mình được dạy sớm những điều này có lẽ cuộc đời đã khác...
Thời chúng tôi nhạc rock, phim hành động là những ấn phẩm bị gán mác ngoại lai bị coi là nguyên nhân gây suy đồi, làm hình thành thiếu niên hư hỏng, phạm tội, bạo lực. Đến thời các cháu thì nguyên nhân bị đổ cho trò chơi điện tử, tiktok.
Cộng đồng, xã hội vẫn không chịu thừa nhận rằng những yếu tố tác động đến hình thành, phát triển nhân cách của trẻ em là những môi trường mà các cháu tiếp xúc thường xuyên nhất là gia đình và nhà trường.
Gia đình, nơi mà trẻ em học hỏi những giá trị, quy tắc và hình thành đặc điểm tính cách ban đầu. Nếu môi trường gia đình không cung cấp sự hỗ trợ, yêu thương và giáo dục đúng đắn, có thể dẫn đến việc trẻ không biết cách điều chỉnh cảm xúc và hành vi xã hội một cách lành mạnh.
Lớp học, với vai trò là môi trường xã hội đầu tiên ngoài gia đình, một môi trường học tập không hạnh phúc, nơi không có sự an toàn, sự hỗ trợ từ giáo viên và bạn bè, có thể dẫn đến sự thiếu tự tin và cảm giác cô đơn, khiến cho trẻ dễ dàng rơi vào hành vi tiêu cực.
Các cháu tôi vẫn ước mơ được giáo dục một cách tử tế, yêu thích một hình ảnh người thầy người cô yêu thương các cháu như con, dạy các cháu biết tôn trọng bản thân, tự tin, đánh giá, khích lệ những nỗ lực của các cháu, cho các cháu một lớp học hạnh phúc. Và hình như thế giới 2D đang mang lại sự trọn vẹn ấy cho các cháu.