Khi khán giả xem phim bằng điện thoại
Phát hành phim tài liệu trên nền tảng số bên cạnh thuận lợi cũng đưa ra thách thức, nhất là nhà sản xuất phim Việt: làm sao cân đối giữa xu hướng với giá trị đích thực mang đến cho khán giả ở dòng phim này.
Khởi đầu của những dấu ấn
Đã nói đến công nghiệp điện ảnh, thì có nghĩa là phim phải có doanh thu, người làm phim sống được bằng nghề, nhà sản xuất có lãi, phim được công nhận ở các liên hoan phim quốc tế, có chỗ đứng ở phòng vé, có tầng lớp khán giả riêng của mình.
Phim tài liệu Việt Nam có lịch sử phát triển khác với các nền điện ảnh trong khu vực. Hàng chục năm, phim tài liệu được làm theo đặt hàng của nhà nước hoặc được sản xuất bởi các đài truyền hình, đã làm khán giả mặc định đó là những bộ phim tuyên truyền. Đây cũng là lý do phim tài liệu mất đi khán giả của mình khi internet bắt đầu xuất hiện cách đây hơn 20 năm.
Tháng 12/2014, phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm ra rạp. Với 47 suất chiếu, bộ phim thu hút hơn 30.000 lượt khán giả.
Con số này được đánh giá là đã tạo nên kỳ tích trong lịch sử điện ảnh Việt Nam về việc một phim tài liệu lần đầu tiên được phát hành thương mại ở rạp - nơi vốn chỉ dành cho các phim bom tấn nước ngoài, phim hài giải trí.
Một năm sau, bộ phim “Lửa Thiện Nhân” của đạo diễn Đặng Hồng Giang được phát hành tại cụm rạp Platinum Cineplex, BHD Star Cineplex Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh.
Ba năm sau, bộ phim “Đi tìm Phong” của đạo diễn Trần Phương Thảo sau khi tham gia 35 liên hoan phim quốc tế khắp thế giới, đã trụ được tại các rạp chiếu nhỏ ở 10 thành phố trên khắp nước Pháp trong 2 tuần, sau đó được phát hành tại các rạp trong nước.
Tuy nhiên cũng có những bộ phim khác không thành công về doanh thu như “Chuyện ngày hôm qua”, “Những cánh én đầu tiên”, “Đáng sống”, “Đoạn trường vinh hoa”, “Màu cỏ úa”… Các nhà làm phim nỗ lực sản xuất hàng năm trời nhưng con đường ra rạp đầy chông gai.
Đạo diễn Đặng Hồng Giang, cách đây vài năm khi thất thu với phim “Đáng sống”, có phát biểu với báo chí rằng anh không hiểu được khán giả muốn gì. Đây cũng là câu hỏi muôn đời với các nhà sản xuất phim tài liệu và nếu kịch bản hay chiếm 50% tỷ lệ thành công của một bộ phim truyện, thì có thể nói ngay là với phim tài liệu cũng tương tự: nội dung vẫn quyết định tất cả.
Sản xuất phim tài liệu để đưa đến với công chúng như một phần của công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam vẫn còn quá mới mẻ và số lượng phim quá ít ỏi để có thể đúc rút được một vài bài học từ trong nước.
Phát hành trên nền tảng số
Thị trường thay đổi bắt đầu từ 10 năm nay với sự xuất hiện của Netflix. Nền tảng số chuyên chiếu phim đã mang lại cho phim tài liệu một vị thế mới: Đầu tư ít nhưng danh tiếng không hề kém cạnh. Netflix đã giành được ba giải Oscar đầu tiên cho phim tài liệu, nghĩa là thành công cả về doanh thu lẫn danh tiếng.
Từ năm 2018 đến năm 2021, nhu cầu xem phim tài liệu trên các nền tảng số đã tăng gấp đôi và những bộ phim từng hy vọng kiếm được chỉ vài triệu đô la tại phòng vé, giờ được bán cho các nền tảng phát trực tuyến với giá 10 - 20 triệu đô la.
Với Netflix và các nền tảng số, khán giả không còn đến rạp mà nằm dài trên giường dán mắt vào máy tính hoặc điện thoại, chọn một bộ phim và tắt lúc nào tùy thích, kết quả là tệp khán giả của phim tài liệu đã mở rộng đến nhiều tầng lớp hơn là chỉ giới hạn ở một số ít như trước đây. Các nền tảng số lại có đủ dữ liệu để biết khán giả thích xem những gì, theo dõi một seri bao lâu.
Những ai là khán giả thường xuyên của Netflix đều chứng kiến sự bùng nổ các bộ phim tài liệu về những vụ giết người, chuyện đời những người nổi tiếng, những câu chuyện có nhiều tình tiết gây sốc... và đến năm 2020 trở lại đây là thời của các bộ phim tài liệu về tội phạm có thật.
Thể loại phim tài liệu, vốn được coi là có ý nghĩa kết nối, nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng, tạo ra sự thay đổi, thúc đẩy tiến bộ xã hội, thì nay lại trở thành một sản phẩm thương mại, chỉ nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu giải trí của khán giả.
Các đề tài được chọn sản xuất ưu tiên “cướp, giết, hiếp” để hút khách. Xem những cái tên các seri phim ăn khách nhất trong năm vừa qua trên Netflix là biết: “Dahmer”, “Tạo nên kẻ giết người”, “Những án mạng của nước Mỹ”, “Jefrey Epstein - giàu có và đồi bại”, “Kẻ lừa đảo trên Tinder”, “Phòng chat thứ n”, “Nhân danh thần linh”, “Những cuốn băng thú tội”, “Đối thoại với sát thủ”, “Cuộc đời và cái chết của kẻ giết người hàng loạt”...
Những câu chuyện dựng lại vụ án có thật luôn đứng ở top list tìm kiếm trong nhiều tuần. Bên cạnh đó vẫn có những thể loại phim tài liệu khoa học, giáo dục, xã hội, chính luận khác nhưng hiếm khi nằm trong top list tìm kiếm.
Thị trường cho phim tài liệu Việt Nam vẫn là một ẩn số đối với các nhà sản xuất, đáp ứng thị hiếu như thế nào đây? Cách đây 25 năm người ta dạy cho các lớp đạo diễn phim tài liệu về cái gọi là “nghệ thuật 3 phút” nghĩa là sau 3 phút không có chuyện gì mới thì khán giả sẽ chán.
Một nghiên cứu cho thấy sự kiên nhẫn của khán giả đối với một video trên mạng xã hội đã giảm từ 32 giây cách đây 5 năm xuống còn 8 giây hiện nay. Không ngoài xu thế của thế giới, “cày Netflix” cũng đã trở thành một thói quen của khán giả Việt Nam, nền tảng này phổ biến thứ hai, chỉ sau FPT Play trên thị trường Việt Nam.
Các nhà sản xuất Việt Nam, muốn phim được sự chấp nhận của thị trường, cũng phải theo xu hướng coi phim tài liệu là một sản phẩm thương mại, giải trí. Nó đòi hỏi thay đổi từ cách chọn đề tài là những người nổi tiếng trong giới giải trí, những vụ việc gây chấn động xã hội, những câu chuyện tội phạm có thật; từ cách đầu tư cho ê kíp làm phim theo đuổi câu chuyện trong thời gian dài; từ xây dựng câu chuyện kịch tính, tiết tấu nhanh, cảm xúc chân thực, bám sát thực tế đời sống...
Cũng như ở thể loại phim truyện, một dòng phim tài liệu thương mại tồn tại song song bên dòng phim tài liệu chính thống như vậy mới có thể tham gia xây dựng một ngành công nghiệp điện ảnh.