Giữ lửa nghề giáo
“Có một nghề không trồng cây vào đất/ Mà mang lại cho đời đầy trái ngọt hoa tươi!”. Nghề ấy được gọi là “nghề cao quý nhất” và cũng là nghề thường được dư luận quan tâm nhiều nhất, chịu nhiều áp lực nhất: Nghề giáo.
Nghề giáo chịu áp lực và nhận được sự dõi theo từ xã hội cũng phải, bởi đây là nghề nắm vận mệnh tương lai. Nhưng sự quan tâm từ chính sách đối với nghề giáo, nhà giáo lại chưa nhiều và chưa thỏa đáng.
Tại Quảng Nam, năm nào câu chuyện thiếu giáo viên cũng là vấn đề được đưa ra bàn thảo để tìm hướng giải quyết, từ hội nghị Tỉnh ủy, kỳ họp HĐND đến các cuộc họp bàn của UBND tỉnh, ngành giáo dục và các địa phương.
Đáng quan tâm nhất là việc thiếu giáo viên ở miền núi. UBND tỉnh cho biết, thống kê đầu năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh thiếu 2.202 giáo viên, trong đó riêng 9 huyện miền núi thiếu 873 giáo viên các cấp.
Nguyên nhân thiếu giáo viên, ngoài chế độ, chính sách không đủ đáp ứng nhu cầu đời sống, còn do điều kiện công tác khó khăn, đặc biệt là khu vực miền núi, các điểm trường vùng cao thiếu thốn nhiều thứ.
Vào mùa khai giảng năm học mới, những hình ảnh về thầy trò vùng cao luôn thu hút sự quan tâm của xã hội. Tại Quảng Nam, hai mùa khai giảng gần đây, những hình ảnh về cô giáo Trà Thị Thu và đồng nghiệp cùng học sinh điểm trường vùng cao ở Nam Trà My lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, là tâm điểm trên các mặt báo, đã làm rung động biết bao trái tim. Đó là những hình ảnh đẹp, nhưng nhìn thấy nao lòng, thương cho học sinh và giáo viên vùng cao.
Mỗi mùa mưa, cũng lan truyền, cũng tâm điểm là những hình ảnh giáo viên vùng cao không quản hiểm nguy vượt lũ, băng ghềnh, đu dây hoặc bò trên những thân cây bắc ngang suối để đến lớp… Hình ảnh tạo sự cảm phục, nhưng thấy đau lòng, nghĩ đến những người đang soạn tính và toan tính chính sách.
Những ngày qua, dư luận bày tỏ sự trân trọng khi một số trường học có “Thư ngỏ” gửi các cơ quan, đơn vị… kêu gọi thay vì dùng tiền mua hoa tặng chúc mừng nhà trường nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, hãy hỗ trợ học sinh khó khăn của trường chưa có thẻ bảo hiểm y tế...
Nêu những câu chuyện trên để thấy, dù chịu bao khó khăn, thiếu thốn, nhưng thầy cô giáo vẫn luôn hết lòng với nghề. Nếu không tâm huyết, không yêu thương học trò, thì những giáo viên sẽ chẳng thể nào trụ bám lại cùng học sinh miền núi.
Không đơn giản chỉ có lòng yêu nghề, ở đó còn mang nặng tình người. Bởi có không ít thầy cô giáo đôi khi muốn bỏ nghề nhưng vì hình ảnh lũ trẻ đến trường mặt mũi lấm lem, phong phanh áo mỏng, đầu trần chân đất... mà không nỡ rời đi, gắng bám với nghề.
Giáo dục là ngành quan trọng hàng đầu của đất nước, nhưng phải đến giữa tháng 8 vừa qua mới lần đầu tiên diễn ra sự kiện Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục.
Và theo thống kê của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, trong hơn 6.500 câu hỏi của các nhà giáo gửi đến sự kiện, có gần 2.000 ý kiến liên quan đến việc cần cải thiện chế độ tiền lương, phụ cấp.
Nghị quyết số 29 (tháng 11/2013) Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT có nêu “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Đến nay đã tròn 10 năm nghị quyết ban hành.
Vấn đề bây giờ là sớm nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác, nhất là chính sách đột phá thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn; khuyến khích những người công tác ở miền núi gắn bó lâu dài. Với địa phương, chỉ có thể xây dựng chính sách hỗ trợ, còn về căn cơ, cần có cơ chế, chính sách từ Trung ương về tiền lương và các chế độ ưu đãi khác.
Đừng để nhà giáo cứ phải chỉ mãi giữ lửa nghề bằng lòng yêu nghề và tình yêu thương học trò. Các nhà giáo xứng đáng được nhiều hơn thế!