Châu Á siết chặt quản lý Big Tech
(QNO) - Cơ quan quản lý và chính phủ tại châu Á - Thái Bình Dương ngày càng siết chặt quản lý đối với những gã khổng lồ công nghệ - Big Tech.
Tháng 10 vừa qua, Ủy ban Thương mại công bằng (FTC) Nhật Bản tiết lộ bắt đầu cuộc điều tra về việc Google chặn dịch vụ của đối thủ và có khả năng vi phạm quy định chống độc quyền.
Bốn tháng trước đó, Nhật Bản thông báo kế hoạch thực thi một luật mới, buộc các nhà cung cấp hệ điều hành di động thông minh lớn nhất gồm Apple và Google cho phép các cửa hàng ứng dụng của bên thứ 3 chạy trên các hệ điều hành này nếu được xác định là an toàn.
Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) cho biết, luật mới tạo thuận lợi cho các nhà phát triển khác tiếp cận thị trường dễ dàng hơn cũng như tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh Apple và Google vẫn độc quyền trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp Nhật Bản sẽ phạt nặng nếu công ty công nghệ nước ngoài hoạt động tại Nhật Bản nhưng không tuân thủ quy tắc về việc đăng ký văn phòng đại diện tại Nhật Bản. Quy định nhằm mở rộng sự giám sát của Chính phủ Nhật Bản đối với Big Tech.
Gần đây nhất, Nepal thông báo sẽ cấm TikTok của Công ty ByteDance (Trung Quốc) xuất phát từ việc TikTok thường xuyên được sử dụng để chia sẻ nội dung "gây mất cân bằng xã hội và phá vỡ các cấu trúc gia đình, cũng như các mối quan hệ xã hội".
Chính phủ Nepal đồng thời thông qua đạo luật mới yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội phải thành lập văn phòng tại Nepal như một phương tiện để mở rộng sự giám sát của chính phủ. Đạo luật cũng bao gồm cấm truyền bá tin tức giả mạo trên trực tuyến và đăng ảnh liên quan đến vấn đề riêng tư mà không được phép.
Đầu năm nay, Australia yêu cầu mạng xã hội X (trước đây là Twitter), YouTube, Google và TikTok tăng cường giám sát ngăn chặn đối với tài liệu lạm dụng trẻ em được chia sẻ trên các nền tảng này, nếu không sẽ bị phạt tài chính.
Tháng 10 vừa qua, Ủy ban Giám sát an toàn thông tin điện tử eSafety của Australia phạt 385 nghìn USD đối với X với lý do nền tảng này không hợp tác điều tra hoạt động chống lạm dụng trẻ em.
Tháng 8/2023, các nhà lập pháp Ấn Độ thông qua dự luật bảo vệ dữ liệu cá nhân kỹ thuật số để tìm cách quản lý tốt hơn Big Tech và trừng phạt các công ty vi phạm dữ liệu, đồng thời đặt ra yêu cầu khắt khe hơn đối Big Tech.
Luật mới cho phép công ty công nghệ chuyển một số loại dữ liệu của người dùng ra nước ngoài; đồng thời trao cho Chính phủ Ấn Độ quyền truy cập cũng như chặn các nội dung thông qua thiết bị của ban bảo vệ dữ liệu do chính phủ liên bang chỉ định.
Luật mới cũng trao cho Chính phủ Ấn Độ quyền miễn trừ đối các cơ quan nhà nước và trao cho người dùng quyền sửa hoặc xóa dữ liệu cá nhân của họ.
Mới đây, Indonesia tuyên bố cấm bán hàng hóa trên các nền tảng truyền thông xã hội trong bối cảnh ngày càng có nhiều quốc gia lo ngại về sự thống trị của Big Tech.
Indonesia cho biết quyết định trên nhằm bảo vệ thị trường truyền thống, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bị ảnh hưởng từ việc bán phá giá trên các nền tảng thương mại điện tử cũng như bảo đảm cạnh tranh trong kinh doanh và bảo vệ dữ liệu người dùng.