Chấn chỉnh vận tải khách bằng ô tô
Trước thực trạng còn không ít hạn chế trong kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô, ngành giao thông vận tải đang triển khai nhiều biện pháp để chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động của loại hình này.
Còn nhiều hạn chế
Tính đến ngày 31/10/2023, Sở GTVT đang quản lý 1.312 đơn vị kinh doanh vận tải (KDVT) bằng ô tô với 8.433 phương tiện hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa. Riêng KDVT hành khách, toàn tỉnh có 480 đơn vị với 4.809 phương tiện.
Số lượng phương tiện nêu trên đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Qua thanh tra kiểm tra, lực lượng chức năng xử lý nhiều sai phạm. Đơn cử, xe chạy tuyến cố định nhưng không vào bến xe; xe hợp đồng nhưng vận chuyển khách theo tuyến đường cố định; xe hợp đồng không có hợp đồng vận chuyển, không có danh sách hành khách. Đáng báo động, xe vận chuyển hành khách (kiểu đi chung, ghép, tiện chuyến) thu tiền hành khách nhưng không đăng ký KDVT, không có phù hiệu, biển hiệu.
Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 1 (Thanh tra Sở GTVT) - ông Thái Minh Hoàng cho biết, 10 tháng đầu năm 2023, ngành chức năng đã thu hồi 233 phù hiệu, biển hiệu đã cấp đối với phương tiện chở khách vi phạm tốc độ; xử phạt vi phạm hành chính 54 trường hợp với số tiền 150 triệu đồng.
Theo ông Lê Văn Trí - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT), phần lớn đơn vị KDVT khách nhỏ lẻ; số lượng hộ kinh doanh nhiều nên năng lực tài chính, đội ngũ nhân sự thiếu và yếu.
Sự hiểu biết cũng như ý thức chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện KDVT chưa nghiêm, hoặc mang tính đối phó, né tránh. Trong quản lý, nhiều đơn vị thiếu sâu sát theo dõi, giám sát thông tin từ thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát.
“Việc thực hiện một số nội dung quy trình đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) chưa nghiêm. Thế nên, 9 tháng đầu năm 2023, Sở GTVT đã ban hành quyết định thu hồi 202 phù hiệu, biển hiệu đã cấp đối với phương tiện vi phạm tốc độ” - ông Lê Văn Trí nói.
Từ đầu năm 2023, hoạt động KDVT đường bộ bắt đầu phục hồi sau dịch bệnh COVID-19. Song có thể thấy, các đơn vị KDVT khách bằng ô tô còn gặp nhiều thách thức do hoạt động kinh doanh chưa thể phục hồi như cũ. Giá xăng, dầu tăng cao, cộng thêm phải lo nhiều chi phí sửa chữa phương tiện, bảo đảm trang thiết bị nhằm đáp ứng theo quy định sau thời gian dừng hoạt động nên rất khó khăn.
Chấn chỉnh quyết liệt
Chánh Thanh tra Sở GTVT - ông Trương Văn Sơn nhìn nhận, công tác đảm bảo trật tự ATGT luôn được Đảng, Chính phủ, Bộ GTVT, Tỉnh ủy và UBND tỉnh rất quan tâm.
Điển hình ngày 25/5/2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 23 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 149 về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 23.
Đối với Quảng Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Chương trình số 40 về thực hiện Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; hay ngày 21/3/2023, UBND tỉnh có Chỉ thị số 06 về tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT…
Bên cạnh thanh tra kiểm tra, Thanh tra Sở GTVT từ đầu năm 2023 đến nay đã tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền, ký cam kết tuân thủ pháp luật đối với đơn vị KDVT; trong đó có 2 hội nghị dành riêng cho KDVT khách bằng ô tô.
Để chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động KDVT bằng ô tô, ông Lê Văn Trí cho biết, Sở GTVT đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý, đề xuất xử lý nghiêm vi phạm.
Đôn đốc, hướng dẫn đơn vị KDVT chấp hành nghiêm pháp luật về kinh doanh và điều kiện KDVT bằng ô tô; quy định về đảm bảo trật tự ATGT đường bộ. Ngành thường xuyên quán triệt các bến xe kiểm tra điều kiện phương tiện, lái xe tại bến, không cho xuất bến đối với trường hợp không đảm bảo.
Ngành sẽ tăng cường chia sẻ, tiếp nhận, sử dụng thông tin theo quy chế phối hợp giữa Sở GTVT, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh và quy định của pháp luật về quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong KDVT.
Đặc biệt, Sở GTVT sẽ xem xét, tham mưu tạm dừng việc cấp phù hiệu, biển hiệu và các loại giấy phép liên quan nếu đơn vị KDVT không thực hiện đúng về cung cấp thông tin hợp đồng vận chuyển, chế độ báo cáo theo quy định.
Ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng dữ liệu trích xuất từ hệ thống thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam, camera giám sát trên xe để kiểm tra, giải quyết thủ tục hành chính cấp phù hiệu, biển hiệu cho phương tiện KDVT; đồng thời còn phục vụ thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm.
Ngoài ra, ông Lê Văn Trí cho biết, ngành chức năng sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung quy định về số lượng phương tiện, đội ngũ lái xe đối với hộ KDVT để đảm bảo phù hợp với năng lực quản lý của đơn vị vận tải.
Quy định thời hạn thu hồi phù hiệu đối với phương tiện vi phạm tốc độ qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; quy định bãi đỗ xe, về thực hiện chế độ báo cáo…
Bởi lẽ, hiện nay việc thực hiện quản lý đơn vị KDVT bằng ô tô nói chung chủ yếu qua công tác “hậu kiểm”, nhưng lại thiếu chế tài, quy định để xử lý, chấn chỉnh nhằm đảm bảo được quyền KDVT, vừa thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước…