4 bước marketing bản thân giúp bạn “tán đổ” nhà tuyển dụng
(PR) - Phỏng vấn xin việc có thể được ví như một giao dịch bình đẳng giữa bên mua là nhà tuyển dụng và bên bán là ứng viên. Theo đó, ứng viên chào bán giá trị bản thân và thuyết phục nhà tuyển dụng “mua” với “giá” mong muốn. Cuộc chào bán có diễn ra thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào khả năng marketing bản thân của ứng viên.
Vậy bạn nên marketing bản thân như thế nào để “tán đổ” nhà tuyển dụng ở Biên Hòa, Bình Dương hay TPHCM…? Cùng tham khảo một số gợi ý dưới đây nhé.
Xây dựng thương hiệu cá nhân từ trước
Đừng chờ đến khi chuẩn bị bước vào phòng phỏng vấn, bạn mới nghĩ tới việc marketing bản thân. Bởi như thế là bạn đưa mình vào vị thế chưa có “thương hiệu” hoặc có nhưng chưa được ai biết tới, chưa được đánh giá và thẩm định. Điều này sẽ khiến bạn rất khó “chào bán” bản thân với mục tiêu mong muốn. Bởi những điều bạn mang ra thuyết phục bị thiếu cơ sở để người mua tin tưởng. Vì thế, hãy xây dựng thương hiệu cá nhân của mình từ trước đó.
Bạn có năng lực, thành tựu, chuyên môn gì hãy “bày biện” để nhà tuyển dụng thấy qua các phương tiện khác nhau. Điều này không quá khó trong bối cảnh nền tảng mạng xã hội phát triển như ngày nay. Bên cạnh kênh truyền thống như nhờ người kết nối, giới thiệu trước thì qua nền tảng xã hội, bạn có thể sản xuất nội dung liên quan tới công việc, kỹ năng và kinh nghiệm; thậm chí kết nối và xây dựng mối quan hệ với người trong ngành, trong đó có cả nhà tuyển dụng.
Bằng cách này, bạn có thể đã là “cái tên” được biết đến ngay cả trước khi cuộc phỏng vấn bắt đầu. Nó giúp bạn có thuận lợi nhất định khi định vị mình là ai, ở mức độ nào trong lĩnh vực và công việc ứng tuyển. Điều lưu ý là câu chuyện thương hiệu bạn xây dựng cần nhất quán trên các kênh, qua đó khẳng định năng lực bản thân.
Định vị bản thân dựa trên yêu cầu của công việc
“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, điều này rất quan trọng khi bạn marketing bản thân trước nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn. Bởi bạn không thể “chào bán” thứ nhà tuyển dụng đánh giá thấp hoặc không cần. Do đó, việc điều chỉnh câu chuyện thương hiệu và định vị theo yêu cầu công việc là cần thiết. Nó chứng tỏ bạn không những hiểu mình mà còn hiểu rõ công việc ứng tuyển. Qua đó khẳng định với nhà tuyển dụng, bạn là ứng viên phù hợp nhất cho công việc ứng tuyển.
Hãy xem lại bản thân, đối chiếu với những yêu cầu về công việc để biết bạn đáp ứng được công việc ở mức độ nào. Sau đó đưa ra danh sách kinh nghiệm, phẩm chất và kỹ năng chứng minh điều đó.
Không dừng lại ở đó, trong nhóm danh sách năng lực của mình, bạn nên chọn những điều nổi bật nhất. Để tăng thêm phần thuyết phục, bạn nên gắn với câu chuyện cụ thể, một tình huống đặc biệt. Bởi không ít ứng viên khác cũng sẽ làm như bạn, nhưng để trở nên khác biệt thì bạn cần thể hiện được sự độc đáo của mình.
Bạn là “mảnh ghép” mà doanh nghiệp cần
Mỗi doanh nghiệp khi tuyển dụng đều nhằm mục đích đi tìm mảnh ghép còn thiếu để hoàn thiện cơ cấu bộ máy, để vận hành hiệu quả hơn hoặc để giải quyết một vấn đề khó khăn đang gặp phải.
Hiểu được điều này, bạn cần marketing bản thân là “mảnh ghép” giúp bức tranh doanh nghiệp trở nên hoàn hảo; là người sẽ giải quyết vấn đề khó khăn của doanh nghiệp. Khi đó, nhà tuyển dụng sẽ nghĩ, họ đã tìm thấy ứng viên phù hợp cho doanh nghiệp.
Tất nhiên để làm được điều trên, bạn cần phải hiểu về doanh nghiệp. Bạn cần phải biết chính xác, họ đang gặp vấn đề gì, muốn gì, đánh giá cao điều gì và tình trạng hiện tại như thế nào. Sau đó hãy sẵn sàng trình bày phương hướng và cách giải quyết vấn đề họ đang gặp phải.
Việc đưa ra được giải pháp phù hợp cho vấn đề doanh nghiệp là cách bạn marketing năng lực bản thân thuyết phục nhất.
Sẵn sàng “cho đi” dựa trên sự thấu hiểu
Một trong những bước cuối cùng giúp bạn “hạ gục” nhà tuyển dụng là để họ thấy tinh thần “cho đi” của bạn. Hãy để họ cảm nhận được sự tâm huyết, trách nhiệm của bạn với doanh nghiệp, với công việc. Hãy cho họ thấy, bạn sẵn sàng “chung lòng, chung sức” với doanh nghiệp dù ở thời điểm khó khăn.
Khi cùng chung nỗi lo, nỗi trăn trở với doanh nghiệp tức là bạn đã định vị bản thân là một phần của doanh nghiệp. Tinh thần ấy khiến nhà tuyển dụng cảm thấy được thấu hiểu, được sẻ chia. Qua đó, họ đặt niềm tin ở “người đồng hành” là bạn. Khi đã tin rồi thì không còn lý do nào để từ chối bạn.
Việc có “được giá” trong buổi phỏng vấn hay không phụ thuộc vào cách bạn định vị giá trị của mình và cách thuyết phục nhà tuyển dụng. Nếu sử dụng khéo léo một số “chiêu thức” marketing bản thân, bạn sẽ đạt được mục tiêu mong muốn. Tuy nhiên, kế hoạch marketing hoàn hảo nhất là không ngừng phát triển bản thân, hoàn thiện năng lực, tư duy và phẩm chất mỗi ngày. Nó sẽ giúp bạn không chỉ vượt qua được buổi phỏng vấn cụ thể mà giúp bạn nâng tầm sự nghiệp của mình. Chúc bạn thành công!