Tạo động lực phát triển hợp tác xã nông nghiệp
Trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực vươn lên trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhiều mặt để tạo động lực cho mô hình kinh tế hợp tác này phát triển mạnh và bền vững.
Chuyển biến tích cực
Ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Đào (Thăng Bình) cho hay, năm 2014 đơn vị tiến hành chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Gần 10 năm qua, HTX tập trung kiện toàn bộ máy và chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển.
Hiện nay, HTX có 29 cán bộ, trong đó 9 cán bộ trực tiếp quản lý và 20 cán bộ gián tiếp. Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có 2 cán bộ tốt nghiệp đại học, 3 cao đẳng, 2 trung cấp và 4 sơ cấp.
Từ khi chuyển đổi mô hình hoạt động đến nay, HTX Nông nghiệp Bình Đào thực hiện khá thành công đề án tích tụ ruộng đất và liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Năm 2016, đơn vị triển khai đề án nêu trên với quy mô sản xuất khoảng 20ha, đến nay mở rộng lên 85ha. Trong đó, thuê đất của người dân là 20,5ha và nông dân góp đất để liên kết sản xuất là 64,5ha.
Đơn vị chủ yếu sản xuất lúa giống hàng hóa, lúa thương phẩm chất lượng cao, mè, đậu phụng, nếp theo phương thức bao tiêu đầu ra sản phẩm với tổng số 820 hộ dân tham gia. Các mô hình liên kết sản xuất giúp doanh thu của HTX và thu nhập của nhà nông tăng 1,5 - 2 lần so với trước đây.
“Trong quá trình tích tụ ruộng đất và liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nhiều dịch vụ mới được HTX mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu của nông dân địa phương như cung ứng phân bón, giống cây trồng theo phương thức trả chậm, thủy lợi, làm đất, cấy máy, thu hoạch nông sản.
HTX còn thực hiện khá tốt dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt với 1.247 hộ dân tham gia. Theo ước tính, năm 2023 tổng doanh thu của đơn vị đạt khoảng 4,2 tỷ đồng” - ông Sanh nói.
Ông Đặng Văn Tính - Trưởng phòng Kế hoạch - kiểm tra thuộc Liên minh HTX tỉnh thông tin, tính đến đầu tháng 11/2023 trên địa bàn Quảng Nam có tổng cộng 625 HTX và 1 liên hiệp HTX.
Trong đó, có 408 HTXNN, 33 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 131 HTX thương mại - dịch vụ... Theo ước tính, bình quân hằng năm tổng doanh thu của một HTX đạt gần 1,24 tỷ đồng và lợi nhuận bình quân đạt 550 triệu đồng/HTX/năm.
Trong bối cảnh phục hồi sản xuất sau đại dịch COVID-19, hầu hết HTXNN của tỉnh tập trung đáp ứng các dịch vụ cơ bản phục vụ sản xuất nông nghiệp cho thành viên, nông hộ, đổi mới phương thức quản lý, điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh...
Đặc biệt, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp tổ chức xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo liên kết chuỗi giá trị và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ. Trong đó, tiêu biểu là các HTX Nông nghiệp Đại Hiệp, Ái Nghĩa (Đại Lộc), Điện Phước 1 (Điện Bàn), Duy Sơn (Duy Xuyên), Bình Đào, Bình Nam (Thăng Bình).
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, thời gian qua các HTX nông nghiệp đã tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế thành viên và từng bước khắc phục một số mặt hạn chế của kinh tế hộ… góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cũng như các chương trình OCOP, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững.
Tập trung hỗ trợ phát triển
Thực hiện Nghị quyết số 106 (ngày 18/7/2023) của Chính phủ về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai.
Theo đó, Quảng Nam phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 50% HTX nông nghiệp hoạt động đạt loại tốt, khá. Xây dựng ít nhất 5 mô hình HTX điển hình hoạt động hiệu quả với doanh thu bình quân mỗi năm của một đơn vị đạt từ 5 tỷ đồng trở lên.
Giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp tăng ít nhất 10%/năm; doanh thu tăng ít nhất 5%/năm; khoảng 30% HTX có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hơn 30% chủ thể là HTX có sản phẩm đăng ký chương trình OCOP...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương tập trung rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh và kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình HTX nông nghiệp phát triển.
Vấn đề đáng quan tâm là xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị quy mô lớn.
Tạo điều kiện thuận lợi để các HTX nông nghiệp tiếp cận tín dụng; tăng cường tư vấn, hỗ trợ HTX vay vốn; có cơ chế ưu tiên tiếp cận vốn đối với HTX có phương án sản xuất - kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Hỗ trợ các HTX ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất an toàn thực phẩm; phát triển nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao…
Ông Hồ Quang Bửu đề nghị các cấp, ngành tiếp tục triển khai thực hiện tốt những nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025; cơ chế hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Qua đó, tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp được thụ hưởng cơ chế hỗ trợ phát triển hạ tầng, trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất - kinh doanh. Đồng thời chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực quản trị cho cán bộ quản lý, thành viên HTX. Tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho phát triển bền vững HTX nông nghiệp…