Trăn trở của thầy Ngân

SÁU CÒI 22/11/2023 08:12

Tháp tùng Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh đến thăm Trường THPT Chu Văn An (Đại Lộc) nhân dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 mới đây, Sáu Còi có dịp trao đổi với thầy Hiệu trưởng Nguyễn Bá Ngân, để nghe người cán bộ quản lý giáo dục này trải lòng mình, trong đó có câu chuyện về an toàn giao thông.

Cầu Ba Khe 2 thường xuyên bị ngập, chia cắt lưu thông vào mùa mưa bão. Ảnh: S.C
Cầu Ba Khe 2 thường xuyên bị ngập, chia cắt lưu thông vào mùa mưa bão. Ảnh: S.C

Thầy Ngân kể, quê thầy ở tận Quảng Bình và được nhận vào giảng dạy bộ môn Toán tại Trường THPT Chu Văn An từ năm 1987. Đúng là duyên số, thầy gặp cô là người đồng hương và cũng là giáo viên ở trường.

Hai giáo viên trẻ đến với nhau và định cư luôn tại thôn Hà Thanh (xã Đại Đồng, Đại Lộc), ngay đối diện cổng trường. Cách đây hơn 11 năm, thầy Ngân được tập thể hội đồng sư phạm và tổ chức tín nhiệm bầu giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An.

 Với trách nhiệm nhà giáo, thầy Ngân luôn đau đáu suy nghĩ phải chăm lo giáo dục nhân cách cho học sinh, củng cố nền nếp là ưu tiên hàng đầu. Ngoài tổ chức thường xuyên các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật, trường chú trọng xây dựng, hình thành nhiều câu lạc bộ như đàn guitar, cầu lông, bóng đá, bóng rổ để các em tham gia. Nhờ đó, học trò có sân chơi bổ ích và lành mạnh.

Đặc biệt, thầy Ngân luôn quan tâm đến việc đi lại an toàn cho học sinh. Trên tuyến ĐT609 dẫn đến trường, có 3 cây cầu Ba Khe. Trong đó, cầu Ba Khe 2, cầu Ba Khe 3 chưa từng được nâng cấp, mở rộng nên rất chật hẹp.

Đáng lo hơn, 2 cây cầu nêu trên nằm tại vị trí thấp nhất của tuyến đường, thường xuyên nước lũ băng qua vào mùa mưa bão. Thầy Ngân cho biết, trời mưa to kéo dài thì nước từ trên núi chảy ra, nước từ sông Cùng dâng lên gây ngập cầu Ba Khe 3, chảy xiết. Nước sông Vu Gia chỉ cần dâng lên đến báo động 2 thì 2 cây cầu Ba Khe 2 và Ba Khe 3 đều bị nước lũ băng qua.

Mùa mưa bão, thầy Ngân thường xuyên mất ngủ vì lo lắng không biết nước lụt bao giờ băng qua 2 cây cầu này. Bởi lẽ, học trò phần nhiều ở các xã vùng A như Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Sơn.

Nếu ngập lụt, các em sẽ không thể tới trường. Hoặc giả, học sinh đã đến trường nhưng nước lụt bất ngờ dâng cao thì sẽ không về nhà được. Vậy là, khoảng 4 - 5 giờ sáng, thầy Ngân chạy lên 2 cây cầu “canh nước”, cần thiết sẽ thông báo cho học sinh nghỉ học.

Nếu học sinh đang học, bác bảo vệ trường thường xuyên theo dõi, hoặc phụ huynh điện báo thì sẽ cho các em nghỉ, lo về nhà. Thời điểm ấy, tổ chức đoàn thành viên, bộ phận bảo vệ cùng các thầy nhanh chóng hối thúc học sinh lo đi về.

Các thầy còn “tháp tùng”, chờ các em qua hết những cây cầu này mới an tâm. Thầy Ngân cho biết, trường còn thông tin cho giáo viên ở tận Đà Nẵng, Núi Thành nắm bắt tình hình lũ lụt để nghỉ dạy.

“Nhà trường nói riêng, nhân dân các xã vùng A của Đại Lộc nói chung rất mong nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng những cây cầu này để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn khi đi lại mùa mưa bão” - thầy Ngân nói.

SÁU CÒI