Viêm họng, đau họng xử trí thế nào?
(QNO) - Viêm họng, đau họng là bệnh hay gặp ở mọi lứa tuổi. Theo thống kê có đến 80% các trường hợp viêm họng là do virus như adenovirus, rhinovirus, cúm, sởi…; 20% còn lại là do vi khuẩn như các loại liên cầu, tụ cầu, phế cầu…
Trong số các vi khuẩn thì nguy hiểm nhất là liên cầu tan huyết nhóm A. Đây là thủ phạm gây các biến chứng thấp tim, viêm khớp, viêm thận. Vì vậy, khi bị viêm họng cần xử trí đúng là vô cùng quan trọng.
Trên thực tế khi bị viêm họng, đau họng nhiều người chủ quan khiến tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng. Đã có nhiều trường hợp viêm họng, đau họng mà người bệnh tự mua thuốc về uống dẫn đến sốc phản vệ và phải đi cấp cứu.
Biểu hiện của viêm họng, viêm họng có lây không?
Tùy từng nguyên nhân khác nhau mà viêm họng cũng có biểu hiện khác nhau. Khi bị viêm họng người bệnh sẽ cảm thấy ngứa rát vùng cổ họng, đau khi nuốt, khó khăn khi nói chuyện, ngoài ra còn có nghẹt mũi, khàn giọng...
Một số triệu chứng khác thường gặp là:
Đau họng và khô rát họng.
Có thể có thêm biểu hiện hắt hơi sổ mũi, ho, đau đầu, đau cơ toàn thân, chán ăn.
Nổi hạch phát ban, buồn nôn, nuốt khó.
Đau họng kéo dài kèm theo các biểu hiện như ngứa cổ, khô cổ, nóng rát, nuốt vướng, dễ gặp nhất là vào sáng sớm.
Nhiều người có xuất hiện ho theo từng cơn, ho có đờm hoặc ho khan...
Nhiều người thắc mắc viêm họng cấp có lây không? Thực tế, viêm họng cấp do virus, vi khuẩn có thể lây từ người này sang người khác. Người bệnh ho hắt hơi sẽ bắn ra các hạt sương nhỏ chứa tác nhân gây bệnh vào không khí.
Người tiếp xúc có thể bị nhiễm theo các cách sau: Hít phải các giọt bắn. Tiếp xúc với dịch tiết từ đường hô hấp người bệnh rồi chạm lên mặt, mũi của mình. Lây nhiễm qua đồ ăn thức uống của người bệnh nếu dùng chung.Viêm họng, đau họng khi nào cần đi khám?
Đối với trẻ nhỏ, cơn đau họng lâu hơn một ngày thì cần đưa bé đến cơ sở y tế để được kiểm tra. Đặc biệt hãy đưa trẻ đến ngay các trung tâm y tế nếu có các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng như:
Khó thở;
Khó nuốt;
Chảy nước dãi bất thường, nuốt khó...
Đối với người lớn, hãy đến gặp bác sĩ nếu đau họng kèm các triệu chứng sau:
Đau họng dữ dội hoặc kéo dài hơn một tuần;
Khó nuốt;
Khó thở;
Khó mở miệng;
Đau khớp;
Đau tai;
Phát ban;
Sốt cao 38,5 độ C…
Đau họng thường xuyên tái phát;
Khàn giọng kéo dài hơn hai tuần…
Cách chữa viêm họng, đau họng
Khi có biểu hiện đau họng, viêm họng có thể xử trí tại nhà. Cần súc miệng bằng nước muối pha loãng, ấm giảm cơn đau và sát khuẩn.
Lưu ý, dùng nước ấm và bỏ thêm một chút muối sạch, sau đó súc miệng sẽ cảm thấy sự khác biệt sau khi lặp đi lặp lại việc làm này thường xuyên trong ngày. Muối không được quá mặn mà cần pha loãng. Khi bị đau rát họng ít nhất mỗi giờ hãy súc miệng một lần, ngày nhiều lần sẽ hiệu quả.
Ngoài ra, có thể áp dụng cách sau:
- Uống trà và mật ong: Trà và mật ong được xem như những loại thảo dược giúp nhanh chóng trị dứt cảm giác đau họng. Chỉ đơn giản bạn hãy cho 1 thìa mật ong khuấy đều trong chén trà và thêm 1 vài lát chanh, uống từng chút một sẽ giúp cảm giác đỡ đau họng.
- Uống gừng và mật ong: Lấy một thìa nước gừng và một thìa mật ong trộn với nhau. Cho nước ấm khuấy đều rồi uống, uống nóng để giảm ho và làm dịu các vấn đề về họng.
– Uống nước nhiều: Uống nước sẽ giúp cổ họng được giữ ẩm và ngăn ngừa mất nước. Tuy nhiên bạn không nên sử dụng các loại nước có chứa cafein, chất kích thích.
– Nghỉ ngơi: Hãy tạo cho mình không gian thoải mái và nghỉ ngơi kết hợp với thực đơn ăn uống lành mạnh giúp tăng đề kháng, đặc biệt nên hạn chế nói nhiều.
– Không dùng các chất gây kích ứng: Hãy giữ môi trường sống sạch sẽ, không có khói thuốc lá và các sản phẩm tẩy rửa bởi nó có thể gây kích ứng cổ họng.
Việc thực hiện các phương pháp điều trị viêm họng tại nhà chỉ phù hợp với những trường hợp viêm họng do virus. Nếu viêm họng do vi khuẩn sẽ phải dùng kháng sinh để điều trị và hãy tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, uống đúng liều lượng sẽ giúp bệnh được kiểm soát hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc sử dụng một số loại thảo dược cũng giúp cải thiện các triệu chứng do viêm họng gây ra. Các sản phẩm từ thảo dược có thể ở dạng viên ngậm, trà, thuốc xịt… Tuy nhiên, trước khi sử dụng hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ, đặc biệt với những người có tiền sử mắc các bệnh tim, gan, thận, trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm trùng đó là uống đủ nước, ăn nhiều rau củ quả, rửa tay thường xuyên, không dùng chung đồ dùng, không hút thuốc lá, hẹn chế rượu và không la hét, nói nhiều.
Cách phòng bệnh viêm họng
- Vệ sinh răng, miệng, họng hàng ngày (đánh răng, xúc họng bằng nước muối loãng).
- Luôn đeo khẩu trang khi ra đường để tránh bụi và khí ô nhiễm, không nên uống nước lạnh quá hoặc nước đá, đặc biệt là những người thường xuyên bị viêm họng.
- Phát hiện và điều trị kịp thời, dứt điểm các bệnh của họng và bệnh của các cơ quan liên quan đến họng (răng, miệng, mũi, xoang…) để mầm bệnh không có khả năng tồn tại và lan vào vùng họng.
- Không tùy tiện dùng thuốc nhất là các loại kháng sinh. Dùng đúng liều, đúng thời gian các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ.