Cù Lao Chàm, mùa biển động

NGỌC DIÊN 22/11/2023 16:46

(QNO) - Theo lẽ thường sau mùa Tết Trung thu, Cù Lao Chàm bước vào mùa biển động với bao sự thay đổi khắc nghiệt của thời tiết. Dù đã âu lo đã vơi đi phần nào, mùa biển động vẫn là nỗi khắc khoải của nhiều thế hệ ở xứ đảo xa xôi này.

Cù Lao Chàm. Ảnh: Q.T
Cù Lao Chàm. Ảnh: Q.T

"Mùa biển động" được người dân xứ đảo cảm nhận khi từng cơn gió bấc thổi nhè nhẹ từ đỉnh Eo Gió về. Biển dường như cũng đồng cảm với con người nơi đây khi mặt biển cấp tập những con sóng vỗ bờ, màu nước biển cũng chuyển dần sang màu xanh ngà.

Thế rồi bất giác một sớm tinh mai, mùa biển động ở cù lao đến thật. Nào là gió, nào là mưa, nào là sóng lớn, nào là thuyền bè đứt dây neo, nào là tin bão trên Biển Đông…

Nhộn nhịp nhất là cảnh đưa ghe lên bờ tránh trú bão trên các bãi biển; những tiếng “hò dô nề! đều tay nề!” hoà nhịp cùng với những cơn sóng vỗ bờ như tiếp thêm sức mạnh cho những ngư dân da cháy nắng, khuôn mặt in hằn nếp nhăn trên vành trán còn vương mùi muối biển.

Sau này Nhà nước đầu tư xây dựng âu thuyền, bà con ngư dân đỡ vất vả hơn so với lúc trước nhưng những âm thanh “hò dô nề! đều tay nề!” vẫn văng vẳng bên tai như là một miền ký ức khắc khoải nhưng cũng chan hoà yêu thương và đầy tình người.

"Biển động hả?”. "Bão hả?”. "Không có tàu ra hả?” - những câu nói đầy âu lo của cư dân xứ đảo. Bởi ở phía đảo xa luôn đau đáu những nỗi lo thường nhật trong cuộc sống, nào là “thằng cu nhỏ của con chú Ba bị sốt cao; chị Tư xóm dưới sắp đến ngày sinh không biết có ghe mô chở dô đất liền không?”. Nỗi lo mặn chát mùi muối biển mà chỉ có bao thế hệ người dân sinh sống ở đảo thấm thía.

Mùa biển động ở Cù Lao Chàm không chỉ có “vị lo” mà đôi khi cũng có “vị vui” nữa. Biển động thì “cá chạy”. Đó là cách mà những ngư dân lão luyện ở đây nhận biết và tính toán cho những chuyến biển của mình.

Bên những ly nước lá lao đậm hương vị thiên nhiên và thơm mùi thuốc Nam, các cụ, các bác, các chú lớn tuổi bình luận nào là: "gió bắc - dòng chảy mạnh thì bủa lưới chi, bủa ở mô, bắt con cá chi"; nào là "gió chướng - dòng chảy êm bủa lưới nổi hay lưới chìm; lưới thanh ba hay lưới dày, câu tay hay câu dàng...".

Nói không ngoa, nếu có công trình nghiên cứu kinh nghiệm dân gian của ngư dân ở đây về mùa vụ thuỷ sản thì có lẽ cũng phải cho ra được một cuốn sách dày quý báu.

Cứ thế không hẹn mà gặp, lúc chập tối và sáng tinh mơ người dân nơi đây tập trung tại cầu cảng và âu thuyền để mong ngóng các chuyến biển để thưởng thức hương vị của biển.

Cả một góc đảo sóng sánh cá trích, cá liệt, cá bi, cá chang, cá ngân, cá bạc má, cá trác, cá nhồng, cá hố… và không thể bỏ qua những nụ cười sung sướng của ngư dân được mùa.

Ở nơi đầu sóng ngọn gió, dân đảo luôn tôn trọng các giá trị truyền thống và âm thầm bồi đắp vốn tri thức dân gian qua các thế hệ. Người dân Cù Lao Chàm biết đối thoại với tự nhiên, biết nương tựa với thiên nhiên để sẵn sàng vượt qua khó khăn địa lý, thời tiết khắc nghiệt để mãi yêu đời, mãi bám đảo, sống được và sống tốt trên chính mảnh đất yêu thương này như lời của một bài hát mà rất lâu rồi được người dân xem như “đảo ca”...

“Cù Lao Chàm ta đó

Nơi đứng đầu sóng gió

Ta bám biển ngày đêm tay lưới tay chèo

Lao Chàm biển xanh nơi nở hoa

Lao Chàm biển hát quê tôi”...

NGỌC DIÊN