Tín dụng nhân văn với người hoàn lương

VIỆT NGUYỄN 23/11/2023 13:00

Thực hiện Quyết định 22/2023 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân vốn giúp người hoàn lương tiếp cận để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Cán bộ Chi nhánh Ngân hàng CSXH Quảng Nam tư vấn cho người chấp hàng xong án phạt tù về tín dụng ưu đãi dành cho bản thân. Ảnh: Q.VIỆT
Cán bộ Chi nhánh Ngân hàng CSXH Quảng Nam tư vấn cho người chấp hàng xong án phạt tù về tín dụng ưu đãi dành cho bản thân. Ảnh: Q.VIỆT

Giúp người lầm lỡ có việc làm

Theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 10/10, người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.

Mức cho vay để đào tạo nghề tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người; mức cho vay để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm tối đa là 100 triệu đồng/người, 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở. Lãi suất cho vay bằng lãi suất vay dành cho hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ (hiện tại là 6,6%/năm).

Ngày hội việc làm cho người hoàn lương hòa nhập cộng đồng lần đầu tiên vừa được Công an tỉnh phối hợp với UBND TP.Tam Kỳ, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng CSXH Quảng Nam tổ chức với sự tham gia hơn 300 người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn Tam Kỳ. Đã có 2 doanh nghiệp nhận 2 lao động là người hoàn lương.

Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Nam đã tư vấn và kết nối giải quyết cho 4 lao động làm việc tại các doanh nghiệp ở Tam Kỳ. Chi nhánh Ngân hàng CSXH đã tư vấn vay vốn giúp người hoàn lương có thể tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư làm ăn chính đáng.

Đến thời điểm này, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang đã giải ngân 300 triệu đồng cho 3 khách hàng vay vốn chương trình người chấp hành xong án phạt tù (mỗi người được vay 100 triệu đồng).

Anh Lê Văn Lộc (tổ Gừng, thị trấn Prao) cho biết, anh được vay 100 triệu đồng để trồng 3 nghìn cây quế trên 2ha. Với các điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, kỳ vọng sau 5 năm sẽ thu hoạch quế, trả nợ đã vay và tích lũy vốn để mở rộng diện tích trồng quế kết hợp với buôn bán, kinh doanh.

“Tôi không có vốn, tìm việc làm tự do cũng không đơn giản. Nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện để ngân hàng chính sách tin tưởng cho vay vốn ưu đãi, tôi sẽ chăm sóc quế thật kỹ càng, chờ đến ngày thu hoạch. Cứ nhìn từng cây quế xanh tươi là tôi tin vào cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn” - anh Lộc nói.

Ông Đào Anh Vũ - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang cho biết, trên địa bàn có không ít người đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương muốn tìm được công việc chân chính.

Để tạo điều kiện cho các trường hợp đó sớm có công việc ổn định, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn, chính quyền địa phương, cán bộ tín dụng chính sách hướng dẫn làm hồ sơ và giải ngân vốn vay ưu đãi.

Ông Hoàng Thanh Lân - Trưởng phòng Kế hoạch - nghiệp vụ tín dụng (Chi nhánh Ngân hàng CSXH Quảng Nam) cho biết, đến thời điểm này, có 4 địa phương cho vay 6 người chấp hành xong án phạt tù với tổng dư nợ 550 triệu đồng. Ngoài Đông Giang, còn có Quế Sơn cho vay 50 triệu đồng/người, Tiên Phước cho vay 100 triệu đồng/người, Đại Lộc 100 triệu đồng/người.

Tạo thuận tiện cho người vay vốn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn - Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH Quảng Nam nói, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm giúp người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, một bộ phận người chấp hành xong án phạt tù vẫn còn nhiều khó khăn do họ không thể tìm được việc làm, không có vốn để tự sản xuất, kinh doanh. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tái phạm tội.

Vì vậy, tín dụng chính sách đối với người chấp hành xong án phạt tù là một chính sách nhân văn, tạo điều kiện giúp gia đình có người mãn hạn tù tiếp cận nguồn vốn phục vụ học nghề, sản xuất, kinh doanh, có nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống, qua đó góp phần làm giảm tỷ lệ tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Theo bà Lê Thị Kim Anh - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH Quảng Nam, thực hiện Quyết định 22, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Ngân hàng CSXH Việt Nam và chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã khẩn trương phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, chính quyền địa phương, công an cấp xã cùng ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn tiến hành rà soát, xác định người đủ điều kiện thụ hưởng chính sách có nhu cầu vay vốn để giải ngân ngay nguồn vốn, đưa chính sách vào đời sống.

VIỆT NGUYỄN