Nỗi đau từ bạo lực gia đình
Chị D. quay mặt, như cố nuốt ngược vào lòng những giọt nước mắt chực trào ra... Không kìm nén được nữa, chị gục xuống bàn nức nở. Mười bảy năm chung sống, có với nhau hai mặt con, bây giờ phải đưa nhau ra tòa; người ở lại mang thương tật, kẻ vào tù mang tội lỗi, các con bị tổn thương...
Cái giá phải trả
Ngày 15/11/2023, Tòa án nhân dân thị xã Điện Bàn mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị can Võ D. về tội “Cố ý gây thương tích”.
Theo cáo trạng, kết quả điều tra đã xác định: Khoảng 6 giờ ngày 5/12/2022, Võ D. (sinh năm 1972) và vợ là Trần Thị Thanh D. (sinh năm 1979; trú phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) xảy ra mâu thuẫn, cự cãi nhau liên quan đến việc không có tiền đóng học thêm cho con. Quá trình cãi vã, Võ D. bực tức xông vào, dùng tay trái đấm một cái theo hướng từ trước ra sau vào vùng mắt trái của chị D. gây thương tích.
Tại lễ phát động Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình năm 2023 do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức, ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, theo số liệu thống kê, từ năm 2013 - 2023, trên địa bàn Quảng Nam có 2.072 vụ bạo lực gia đình; trong đó có 1.901 vụ nạn nhân nữ, 94 vụ nạn nhân trẻ em, 77 vụ nạn nhân người cao tuổi. Đây là con số đáng báo động và thực tế con số này sẽ còn nhiều hơn nữa nhưng do người dân ngại thông tin, báo cáo lên cơ quan chức năng.
Tại bản kết luận giám định tổn thương cơ thể trên người sống của Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Nam kết luận: Thương tích của Trần Thị Thanh D. do vật tày tác động mạnh hướng từ trước ra sau, mắt trái gây vỡ sàn hốc mắt đã được phẫu thuật bóc tách kết mạc, bóc tách dưới da tới vùng ổ vỡ sàn, giải phóng mô kẹt bên trong ổ vỡ, đặt vật liệu lót trên ổ vỡ. Tỷ lệ tổn thương cơ thể của Trần Thị Thanh D. tại thời điểm giám định là 38%.
Căn cứ kết quả điều tra, lời khai của bị can trước tòa và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Hội đồng xét xử tuyên phạt Võ D. mức án 15 tháng tù giam.
Về dân sự, tòa yêu cầu Võ D. bồi thường toàn bộ chi phí khám chữa bệnh trong thời gian chị D. điều trị chấn thương cho đến khi hoàn toàn bình phục.
Xô xát xảy ra từ sự tức giận, nóng nảy của Võ D., có thể là bản tính, cũng có thể là nhất thời, nhưng vì điều gì thì cũng phải trả giá trong xã hội hiện nay để răn đe, cảnh tỉnh, ngăn chặn những hành vi bạo lực. Ngoài sự ân hận muộn màng, sự phán xét của tòa án lương tâm, Võ D. còn phải đối diện với những tháng năm tù tội.
Và những tổn thương
Bản án đã tuyên, trước tòa vợ chồng nhìn nhau như hai kẻ xa lạ. Mười bảy năm đầu ấp tay gối, sống với nhau có hai mặt con, bé lớn sinh năm 2007, bé nhỏ sinh năm 2017. Mâu thuẫn xảy ra, mới đầu chỉ là không hợp ý nhau, lâu dần sinh ra “tiếng bấc tiếng chì” gây cảm giác nặng nề, khó chịu.
Cuộc sống khó khăn, không đủ tiền nuôi con ăn học, mệt mỏi rồi cãi vã, chửi bới, lăng mạ, xúc phạm nhau. Cuối cùng, từ bạo lực tinh thần, không kìm chế được dẫn đến bạo lực tay chân, xâm phạm thân thể.
Kết quả là vợ chồng đường ai nấy đi, kéo theo sau là những đứa trẻ chưa thành niên bị liên lụy. Các con đang tuổi trưởng thành phải đối diện với sự thiếu thốn tình cảm, vật chất từ cha mẹ.
Có mặt tại phiên tòa, bé gái sinh năm 2007 chứng kiến những mô tả về hành động và nghe những lời khai của cha mẹ mình, hết kéo tay áo lên lau nước mắt rồi lại úp mặt xuống bàn khóc nức nở.
Được nói lời nói sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án, bị cáo Võ D. quay mặt về phía vợ: “Tôi xin lỗi, tôi biết lỗi của mình, mong em tha thứ và xin giảm án để tôi sớm về phụ giúp em lo hai con ăn học”. Con gái khóc nức nở; chị D. nhất định không đồng ý giảm án. Những người thân của hai vợ chồng có mặt tại phiên tòa cũng ngậm ngùi, chua xót.
Cha mẹ nào cũng mong muốn mang đến cho con mình một cuộc sống tốt đẹp, khi cuộc sống gia đình vấp phải những khó khăn, thiếu thốn thì cùng nhau vượt qua, điều tưởng chừng như đơn giản ấy cũng trở nên xa xỉ với vợ chồng Võ D. và Trần Thị Thanh D.
Nỗi đau do người làm cha mẹ gây ra phải gánh chịu, nhưng con trẻ có tội tình gì? Rồi đây khi hai đứa trẻ lớn lên thiếu tình yêu thương dạy bảo của cha, còn mẹ bị thương tật mắt trái, liệu có đủ sức khỏe để gồng gánh nuôi dạy hai con? Mười lăm tháng tù giam không dài, song nỗi đau tật nguyền thì âm ỉ đến hết cuộc đời của người phụ nữ.
Giá như trước khi thực hiện hành vi bạo lực, Võ D. nghĩ đến việc các con của mình phải sống thiếu tình thương của cha, vợ phải mang thương tật suốt đời thì sẽ không có nghịch cảnh, nỗi đau này.