Nhà máy cấp nước Tam Phước xuống cấp
Tường rào hư hại chỉ còn hàng trụ bê tông mốc meo, cây dại mọc um tùm, nếu không có người xác nhận thì chắc hẳn nhiều người cho rằng nhà máy cấp nước xã Tam Phước (Phú Ninh) đã ngừng hoạt động từ lâu.
Xuống cấp trầm trọng
Khi chúng tôi đến khảo sát hiện trạng nhà máy cấp nước Tam Phước, ông Lương Hùng Thời - người được Công ty TNHH CTQ Đại Tân (phường Điện Ngọc, Điện Bàn) giao quản lý, vận hành đến bắt chuyện.
Theo ông Thời, nhà máy cấp nước Tam Phước được UBND xã Tam Phước tạm giao cho Công ty TNHH CTQ Đại Tân đầu tư, vận hành. Nhà máy phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của 363 hộ dân và 4 doanh nghiệp trên địa bàn xã Tam Phước.
Cơ sở hạ tầng nhà máy được đầu tư quá lâu nhưng không có nguồn duy tu nâng cấp, sửa chữa. Doanh thu của doanh nghiệp tròm trèm 22 triệu đồng/tháng, chỉ đủ bù đắp tiền điện, nước thô, hóa chất và công quản lý vận hành.
Trước băn khoăn của chúng tôi về chất lượng nước của nhà máy khi cung cấp đến người dân, ông Thời khẳng định, chất lượng nước đảm bảo theo quy định của Bộ Y tế.
Theo kết quả khảo sát hiện trạng của UBND xã Tam Phước mới đây, nhà máy có 2 bơm cấp 1 (bơm nước thô) và 2 bơm cấp 2 (bơm nước sạch), nhưng đã hỏng không phục hồi được 1 bơm cấp 1 và 1 bơm cấp 2.
Để đảm bảo công tác vận hành, nhà máy bơm nước luân phiên theo giờ. Trong khi đó, nhiều tuyến ống cấp nước đã bị hỏng không còn sử dụng và không đấu nối lại được…
Ông Vũ Thạch Anh - Chủ tịch UBND xã Tam Phước cho rằng, nhà máy nước đã xuống cấp trầm trọng. Đơn vị được tạm giao vận hành dù đã có nhiều lần đầu tư, tu bổ để duy trì cấp nước cho người dân, song vẫn còn nhiều hạng mục do kinh phí cao cộng với việc thu không đủ bù chi nên chưa đầu tư được.
Theo ông Anh, qua khảo sát, các công trình của nhà máy cần được đầu tư thêm để đảm bảo cấp nước cho người dân trong xã và một số vùng lân cận dọc tuyến đường ĐT615. Cụ thể, mở rộng hồ chứa nước thô lên thêm 3.000m3; đầu tư hệ thống lắng lọc công suất 1.000m3/ngày đêm; thay thế đường ống cũ đã xuống cấp...
“Hiện trạng xuống cấp của nhà máy nước Tam Phước đã được UBND xã báo cáo lên huyện. HĐND huyện Phú Ninh đã có Nghị quyết số 41 ngày 22/12/2021 về đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước máy trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025, nhưng hiện nay việc đầu tư cho nhà máy theo đề nghị của địa phương chưa thể thực hiện được” - ông Anh nói.
Chờ phê duyệt
Cũng cần nói thêm, trước đó, qua giám sát về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 41 tại xã Tam Phước, Ban Kinh tế - xã hội HĐND huyện Phú Ninh đã đề nghị UBND xã Tam Phước phối hợp với đơn vị quản lý, vận hành nhà máy nước Tam Phước tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất đã đầu tư, giá trị sử dụng của tài sản đã đầu tư và thực trạng hoạt động.
Trên cơ sở đó, tham mưu, báo cáo đề xuất với UBND huyện về thực trạng nhà máy nước Tam Phước. Có kế hoạch tổ chức khảo sát nhu cầu sử dụng nước máy của người dân trên địa bàn xã, nhất là ở các khu dân cư tập trung, cụm công nghiệp trên địa bàn...
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, đến nay Đề án về đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước máy trên địa bàn huyện Phú Ninh giai đoạn 2022 – 2025 vẫn đang bị “đứng bánh” vì phải chờ thẩm định, phê duyệt của cấp tỉnh.
Bởi lẽ, UBND huyện Phú Ninh đã có 2 công văn, 2 tờ trình gửi Sở KH&ĐT về việc phê duyệt danh mục Dự án đầu tư mở rộng và nâng cấp nhà máy cấp nước Phú Thịnh và Dự án đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước sạch tập trung trên địa bàn huyện.
Phản hồi tại Công văn 3120 ngày 3/11/2023, Sở KH&ĐT cho rằng, thông tin Dự án đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước sạch tập trung trên địa bàn huyện Phú Ninh được UBND huyện đề xuất danh mục dự án nghiên cứu đầu tư tại các văn bản nêu trên không thể hiện phần diện tích mở rộng của dự án.
Giải thích cụ thể hơn, theo Sở KH&ĐT, đối chiếu theo quy định, những dự án không sử dụng đất, không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không thuộc trường hợp lập danh mục dự án nghiên cứu đề xuất đầu tư gửi sở thẩm định sơ bộ, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Trong trường hợp dự án có sử dụng đất phục vụ cho việc mở rộng, đề nghị UBND huyện Phú Ninh rà soát, làm rõ hiện trạng, diện tích, nguồn gốc đất sử dụng; sự phù hợp của dự án với quy hoạch nông thôn mới các xã, quy hoạch xây dựng vùng huyện; các công trình tín ngưỡng, tôn giáo, di tích lịch sử, an ninh quốc phòng, diện tích đất lúa, hoa màu, công trình tủy lợi, giao thông… bị ảnh hưởng khi triển khai dự án. Từ đó, gửi về Sở KH&ĐT để chủ trì lấy ý kiến các sở, ngành liên quan.