Thảo luận chính sách can thiệp sớm và kiểm soát đặc biệt trong Luật Các tổ chức tín dụng
(QNO) - Chiều 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) đã khuyến nghị nhiều vấn đề chính sách can thiệp sớm và kiểm soát đặc biệt với các tổ chức tín dụng được quy định tại dự thảo luật.
Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng cần cả hai căn cứ là số lỗ lũy kế và vi phạm tỷ lệ an toàn để can thiệp sớm với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Việc kết hợp là cần thiết vì lỗ lũy kế chưa thể hiện rõ bối cảnh và nguyên nhân trọng yếu ảnh hưởng tới lợi nhuận hoặc lỗ của ngân hàng.
Đồng thời lỗ lũy kế chưa loại trừ được các kịch bản khắc phục khả thi mà tự thân ngân hàng chủ động thực hiện được. Nhất là ngân hàng có quy mô vốn điều lệ nhỏ hay các chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà ngân hàng mẹ có thể hỗ trợ ngay bằng cách tăng cấp vốn để đảm bảo an toàn cho ngân hàng đó...
Ngoài ra, lỗ lũy kế phải chờ kết quả báo báo tài chính theo quý, theo năm trong khi vi phạm tỷ lệ an toàn ảnh hưởng tới khả năng chi trả ngay. Do vậy sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện. Việc kết hợp cả 2 tiêu chí là cần thiết, đảm bảo tính logic trong quản trị chung. Can thiệp sớm không chỉ tác động tới từng ngân hàng mà còn đến cả hệ thống và mang tính xã hội, tác động nhanh chóng đến tâm lý người gửi tiền, khách hàng, nhân dân.
Về áp dụng kiểm soát đặc biệt các tổ chức tín dụng, thống nhất với báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Tạ Văn Hạ khuyến nghị nâng cao vai trò của bảo hiểm tiền gửi để tham gia kiểm soát hỗ trợ các tổ chức tín dụng khi thuộc diện kiểm soát đặc biệt.
Trên thực tế, bảo hiểm tiền gửi bảo vệ tiền của cá nhân gửi tại ngân hàng. Các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tạo tâm lý yên tâm cho khách hàng, thúc đẩy huy động vốn, ngăn chặn rút tiền đột biến. Bảo hiểm tiền gửi cũng là công cụ hữu hiệu của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ để duy trì an toàn hệ thống.
Các tổ chức tín dụng kiểm soát các hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi để phát hiện những dấu hiệu rủi ro, biểu hiện yếu kém, các vi phạm quy định an toàn trong hệ thống ngân hàng để kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Qua theo dõi, hiện nay số ngân hàng đóng bảo hiểm tiền gửi là khá nhiều và với số tiền lớn. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, khi gặp vấn đề chưa thấy rõ vai trò của bảo hiểm tiền gửi tham gia vào hỗ trợ giải quyết các vấn đề này nên cần thiết phải bổ sung và hoàn thiện quy định liên quan.
Thảo luận về các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng can thiệp sớm, đại biểu cho rằng, ở một số quốc gia, khi ngân hàng gặp khó khăn, các cá nhân, tổ chức tín dụng thậm chí là ngân sách nhà nước có thể mua lại cổ phần của chủ ngân hàng đó với giá hợp lý và sau đó cơ cấu lại ngân hàng này. Khi nó hoạt động tốt hơn, họ có thể bán đi để thu lại được một khoản tiền cả gốc lẫn lãi.
Thế nhưng, việc này chỉ nên áp dụng đối với ngân hàng lớn. Đối với ngân hàng nhỏ, nếu áp dụng đồng loạt như thời gian qua sẽ khiến người dân, khách hàng không phân biệt được mức độ rủi ro, uy tín của ngân hàng. Nhưng cần cân nhắc sao cho phù hợp vì nếu không hỗ trợ sẽ dẫn đến nguy cơ đổ vỡ, tác động dây chuyền, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Tự thân các tổ chức tín dụng tại các nước có hệ thống ngân hàng mạnh, có điều kiện, nguồn lực đảm bảo thì việc hỗ trợ chủ động là biểu hiện cao nhất. Họ có thể can thiệp, dùng nguồn lực để hỗ trợ, xử lý các ngân hàng yếu kém hơn. Dù trong điều kiện còn hạn chế của Việt Nam nhưng vừa qua các ngân hàng lớn hỗ trợ các tổ chức tín dụng nhỏ đã bước đầu hiệu quả. Vấn đề này cần nghiên cứu, tổng kết để được luật hóa phù hợp.