Cần "sắp xếp" lại môi trường du lịch Hội An

QUỐC TUẤN 24/11/2023 15:31

(QNO) - Nhiều bất cập trong môi trường du lịch Hội An đang tồn tại dai dẳng và cơ quan quản lý cũng nhìn nhận, nếu chỉ ra quân xử lý sẽ không giải quyết căn cơ vấn đề này.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Q.T
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Q.T

Nhiều bất cập

Sáng 24/11, UBND TP.Hội An tổ chức hội nghị bàn giải pháp đẩy mạnh xây dựng môi trường du lịch Hội An văn minh - lịch sự - an toàn - thân thiện.

Theo Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam, đến thời điểm này của năm 2023 đơn vị đã tiếp nhận hơn 100 lượt phản ánh của du khách liên quan đến các vấn đề về môi trường du lịch. Trong đó có nhiều trường hợp du khách đang tham quan trong khu phố cổ Hội An thì bị rạch túi xách mất tài sản nhưng rất khó xử lý.

Theo báo cáo của Phòng VH-TT TP.Hội An, đến nay vẫn còn tình trạng bán hàng rong, chim giấy tại khu vực Chùa Cầu, ép khách mua hàng, chèo kéo khách sử dụng dịch vụ spa; tình trạng cò mồi, bu bám, chèo kéo khách mua sắm hàng hóa, đặc biệt là dịch vụ may mặc; tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ việc sử dụng loa công suất lớn phục vụ khách; vấn đề cò mồi, tự ý nâng giá dịch vụ so với giá niêm yết tại rừng dừa Cẩm Thanh, bến Cửa Đại hay tự tổ chức tour cho khách du lịch tại cầu cảng Cù Lao Chàm...

Gần đây, các cấp, ngành chức năng ở TP.Hội An thường xuyên ra quân xử lý vấn đề này, nhất là ở khu phố cổ, tuy nhiên tình trạng chưa chuyển biến nhiều. 

Hàng rong
Hàng rong trong phố cổ Hội An là một nét văn hóa nhưng hiện đã biến tướng cần sắp xếp, quản lý triệt để. Ảnh: Q.T

Ông Võ Đăng Phong - Chủ tịch UBND phường Minh An, thông tin: "Có trường hợp chúng tôi đã thu tới 6 chiếc xe đạp nhưng vẫn tái phạm. Còn xe đẩy thu xong thì họ mua chiếc mới. Phương tiện vi phạm thường xuyên chật bãi nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để vì chế tài chưa nghiêm, trong khi lợi nhuận từ công việc này không nhỏ".

Cu
Theo phản ánh, thủ tục xuất bến từ Cửa Đại đi Cù Lao Chàm hiện nay vẫn còn rườm rà khiến du khách mất nhiều thời gian chờ đợi. Ảnh: Q.T

Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, bối cảnh phát triển và nhu cầu của thị trường đang có sự lệch lạc trong việc tổ chức sản phẩm du lịch tại Hội An. Cụ thể, một số sản phẩm du lịch không còn "thuần" chất Hội An, Quảng Nam, không mang đặc trưng văn hóa địa phương. Đây là câu chuyện đáng báo động trong bối cảnh ngành du lịch Quảng Nam đang hướng tới định hướng phát triển du lịch xanh.

Cần giải pháp dài hạn

Là điểm đến du lịch được yêu thích hàng đầu của cả khách quốc tế cũng như khách nội địa, trong 10 tháng đầu năm 2023, Hội An đón hơn 4 triệu lượt khách.

Đảm bảo môi trường du lịch trong bối cảnh ngành du lịch vừa phục hồi hậu đại dịch COVID-19 cộng với việc quản lý lượng khách rất lớn như vậy là câu chuyện không dễ dàng.

Theo ông Võ Phùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, một số tồn tại như rác thải, hàng rong, tiếng ồn... chiếu theo Quy chế bảo vệ di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An được UBND tỉnh năm 2020 thì hoàn toàn sai, do đó cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý.

“Vũ điệu trên sông” là sản phẩm du lịch hấp dẫn ở rừng dừa Cẩm Thanh nhưng cần sắp xếp lại một cách bài bản để phát triển du lịch bền vững. Ảnh: Q.T
“Vũ điệu trên sông” là sản phẩm du lịch hấp dẫn ở rừng dừa Cẩm Thanh nhưng cần sắp xếp lại một cách bài bản để phát triển du lịch bền vững. Ảnh: Q.T 

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, việc cấm hay ra quân xử lý vi phạm thường xuyên là tốt nhưng chưa đủ để giải quyết các tồn tại trong môi trường du lịch về lâu dài. 

"Điều chúng ta cần là hạ tầng căn cơ và mô hình vận hành phù hợp. Dù tiếp cận góc độ quốc tế nhiều nhưng thực tế TP.Hội An cũng chỉ là địa phương cấp huyện, do đó nhiều vấn đề không thuộc thẩm quyền quản lý, quyết định của thành phố nên rất cần các sở, ngành của tỉnh ủng hộ, sớm xúc tiến hoàn thành một số vấn đề liên quan đến môi trường du lịch" - ông Lanh nói.

Để giải quyết căn cơ câu chuyện du lịch ở rừng dừa Cẩm Thanh, bà Nguyễn Thị Hường - đại diện một công ty du lịch đề xuất, cần sớm quy hoạch lộ trình điểm đến thay vì làm tràn lan như hiện tại. Chính quyền cần thiết lập các điểm dừng để khách trải nghiệm các dịch vụ hát bả trạo, "vũ điệu trên sông"... theo từng không gian hợp lý, từ đó nâng giá vé lên chứ không thể để lãng phí giá trị khu rừng dừa Bảy Mẫu như hiện nay.

Đại biểu dự hội nghị cho rằng, Hội An chưa hình thành đủ hệ sinh thái du lịch. Thành phố cần sớm hoàn thiện quy hoạch không gian du lịch địa phương trong tổng thể quy hoạch du lịch Quảng Nam. Từ đó xác lập các không gian phát triển du lịch phù hợp theo từng lĩnh vực.

Hội An cần sớm
Hội An cần sớm hoàn thiện quy hoạch không gian du lịch địa phương trong tổng thể quy hoạch Quảng Nam. Ảnh: Q.T

Ông Văn Bá Sơn cho rằng, đóng góp của doanh nghiệp trong việc tạo lập sản phẩm du lịch ở Hội An hiện tại quá khiêm tốn, chính quyền địa phương cần thúc đẩy xã hội hóa mạnh mẽ hơn.

Sắp tới Sở VH-TT&DL cũng sẽ làm việc với các bên để đưa ra một số mô hình xã hội hóa cụ thể nhằm huy động nguồn lực, ý tưởng của doanh nghiệp, qua đó phát huy giá trị điểm đến. Đây cũng là giải pháp để cải thiện môi trường du lịch Hội An về lâu dài.

QUỐC TUẤN