Học tập kinh nghiệm làm công tác giảm nghèo
(QNO) - Đoàn công tác của huyện Đông Giang vừa có chuyến đi thực tế để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về cách huy động nguồn lực, triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất, giảm nghèo bền vững tại một số tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Để học tập kinh nghiệm về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện Đông Giang giai đoạn 2022 - 2025, đoàn công tác gồm lãnh đạo một số phòng chuyên môn, đơn vị liên quan của huyện, cùng Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và công chức phụ trách văn hóa xã hội 11 xã, thị trấn do ông Đinh Ngọc Thanh - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Giang làm trưởng đoàn đã đi thực tế, làm việc tại huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) và huyện Tuy Đức (tỉnh Đắc Nông).
Làm việc với huyện Tu Mơ Rông, ông Đinh Ngọc Thanh đã thông tin một số kết quả về công tác giảm nghèo trên địa bàn Đông Giang; qua đây mong muốn trao đổi nhiều vấn đề liên quan của huyện bạn để học tập, nghiên cứu. Ông Nguyễn Thuận Hóa - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tu Mơ Rông nêu khái quát về tình hình địa phương; giới thiệu kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo cùng các mô hình sản xuất, các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Theo ông Hóa, sâm dây, sâm Ngọc Linh hiện được nhân dân các xã triển khai trồng với diện tích lớn và mang lại thu nhập cao. Nhờ các loại sâm nêu trên, nhiều hộ dân đã thoát nghèo bền vững. Huyện Tu Mơ Rông có 11 xã, người dân nơi đây chủ yếu trồng cây cà phê, cao su, sâm dây, sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu quý khác. Sâm dây có thể thu hoạch sau khi trồng một năm rưỡi đến 2 năm với giá giao động từ 90 nghìn đồng đến hơn 150 nghìn đồng/kg.Còn với sâm Ngọc Linh, 1kg lá có giá bán hơn 10 triệu đồng; củ 1 lạng bán hơn 17 triệu đồng. Tại buổi làm việc, đoàn công tác của huyện Đông Giang còn lắng nghe kinh nghiệm, cách làm về giải ngân vốn đầu tư chương trình giảm nghèo; nhà ở; trẻ em và các chính sách khác có liên quan. Đoàn cũng đã được đưa tham quan tại các điểm mô hình sản xuất hiệu quả, mô hình du lịch cộng đồng.
Đến huyện Tuy Đức
Lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Đức cho biết những kết quả mà địa phương đã đạt được thông việc thực hiện các chủ trương, chính sách về giảm nghèo. Trao đổi và giới thiệu các cách làm hiệu quả về giảm nghèo bền vững; hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống; hỗ trợ người lao động đi làm nước ngoài. Địa phương còn thông tin kết quả chung quanh thực hiện hỗ trợ nhà ở; đào tạo việc làm; xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả. Theo đó, toàn huyện xây dựng nhiều mô hình sản xuất như trồng hồ tiêu, cây mắc ca, cà phê, sắn, khoai lang mang lại giá trị kinh tế cao.Cũng tại Tuy Đức, đoàn công tác còn được trao đổi, lắng nghe kinh nghiệm sử dụng, giải ngân vốn có hiệu quả góp phần thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện. Để chứng minh, địa phương đã đưa đoàn thăm quan mô hình trồng cây mắc ca, thăm điểm du lịch thác Đắk G’lung. Trong khoảng thời gian gần 1 tuần (từ ngày 12 đến ngày 17/11/2023 ), đoàn đã có nhiều cuộc làm việc, lắng nghe và ghi nhận cách làm hay của 2 huyện; trực tiếp chứng kiến thực tế của các mô hình kinh tế tiêu biểu trên địa bàn.
Qua tham quan, ông Phan Hữu Thành - Phó Chánh Văn phòng điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Đông Giang chia sẻ: “Huyện bạn có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả và cách làm hay. Tuy nhiên, để áp dụng các mô hình sản xuất này tại địa bàn huyện Đông Giang là vấn đề không hề dễ dàng, vì liên quan đến nhiều yếu tố như cây giống, thổ nhưỡng, khí hậu, con người, đất sản xuất, vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ…”.Ông Thành chia sẻ, rằng bản thân rất tâm đắc với mô hình trồng cây mắc ca của huyện Tuy Đức. Chính vì vậy, thời gian đến, văn phòng sẽ tham mưu với UBND huyện xem xét trồng khảo nghiệm loại cây này trên một diện tích cụ thể; nếu có hiệu quả sẽ đề xuất triển khai nhân rộng.
Theo Đinh Ngọc Thanh, chuyến công tác lần này của huyện có ý nghĩa quan trọng. Bởi lẽ, đây là dịp để huyện Đông Giang được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, mở mang tầm mắt về cách làm việc, cách huy động nguồn lực, cách triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất, giảm nghèo bền vững của huyện bạn. Đặc biệt, giúp cho cán bộ cơ sở tiếp thu, nhìn nhận, mở nhiều “nút thắt” trong áp dụng hiệu quả về cách thức quản lý, chỉ đạo, điều hành tốt hơn về công tác giảm nghèo tại địa phương. Cạnh đó, phòng chuyên môn của huyện tích lũy thêm những kinh nghiệm để tham mưu, đề xuất cho chính quyền địa phương về những giải pháp cần thiết phải áp dụng, triển khai thực hiện trong công tác giảm nghèo bền vững.