Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật

PHÚ MỸ 28/11/2023 08:30

Văn học, nghệ thuật là bộ phận đặc biệt tinh tế của văn hóa, có khả năng tác động, chuyển hóa nhận thức, tư tưởng, tình cảm của con người. Một khi văn học, nghệ thuật bị lợi dụng, trở thành công cụ để phát tán những quan điểm sai trái, thù địch, đả phá nền tảng tư tưởng của Đảng... thì tác hại sẽ rất khó lường.

Kịp thời biểu dương, tôn vinh văn nghệ sĩ là một cách để động viên, khuyến khích họ theo đuổi sự nghiệp, giữ vững định hướng sáng tác, tham gia phát triển sự nghiệp VH-NT địa phương và góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Kịp thời biểu dương, tôn vinh văn nghệ sĩ là một cách để động viên, khuyến khích họ theo đuổi sự nghiệp, giữ vững định hướng sáng tác, tham gia phát triển sự nghiệp VH-NT địa phương và góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Ẩn trong “vỏ bọc mềm mại”

Theo ghi nhận, đúc kết của nhiều nhà nghiên cứu, lý luận văn học, nghệ thuật (VH-NT), thay vì chỉ sử dụng phương thức truyền thống là lén lút phát tán các tài liệu, ấn phẩm giấy, hiện nay các thế lực thù địch tập trung chủ yếu vào những kênh thông tin điện tử, nền tảng mạng xã hội để phát tán quan điểm sai trái, thù địch nhằm đả phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Dưới “vỏ bọc” là các tác phẩm VH-NT; tiểu luận; chuyên đề nghiên cứu văn hóa, VH-NT;... các thế lực thù địch và cơ hội chính trị chuyển tải nhiều nội dung xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta; cung cấp nhiều tình tiết, sự kiện ngụy tạo nhằm hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh, phủ nhận thành quả cách mạng Việt Nam.

Nhiều cuốn sách có nội dung sai trái, không thể in ấn, phát hành ở trong nước, đã được xuất bản ở nước ngoài rồi phát tán dưới dạng sách điện tử thông qua mạng xã hội...

Góp phần làm lan tỏa sâu rộng các giá trị đặc biệt của tư tưởng Hồ Chí Minh, hằng năm Quảng Nam phát động văn nghệ sĩ tham gia sáng tác VH-NT về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đến nay, các văn nghệ sĩ trong tỉnh đã có hơn 50 tác phẩm tham gia, trong đó có 18 tác phẩm mang giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật được trao thưởng. Từ 3 năm nay Chi bộ Hội VH-NT tỉnh đã xây dựng “Tủ sách Bác Hồ” với gần 100 đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của cán bộ, đảng viên và hội viên.

Trong chương trình tập huấn nâng cao kỹ năng, trình độ về lý luận, phê bình VH-NT dành cho cán bộ quản lý và văn nghệ sĩ, nhiều lần PGS-TS. Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VH-NT Trung ương lưu ý, việc sử dụng VH-NT làm công cụ chống phá là một thủ đoạn tinh vi của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị.

Với “vỏ bọc mềm mại” ấy, công chúng rất dễ bị đánh lừa; nếu thiếu tỉnh táo sẽ bị cuốn theo và tin rằng các “hình tượng” VH-NT - vốn đã bị bóp méo và các sự kiện, sự việc ngụy tạo... là có thật.

Cùng với phát tán tài liệu, ấn phẩm dưới vỏ bọc tác phẩm VH-NT, các thế lực thù địch còn lợi dụng nền tảng mạng xã hội để lôi kéo, kích động văn nghệ sĩ chống đối, đả phá về mặt tư tưởng; cổ xúy thành lập các tổ chức xã hội dân sự và VH-NT đối lập; kêu gọi đấu tranh đòi tự do sáng tác theo kiểu “vô chính phủ”.

Mục tiêu chính của các hoạt động này không gì khác là nhằm phủ nhận thành quả của cách mạng Việt Nam, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chế độ XHCN; tuyên truyền sai lệch về quan điểm, đường lối VH-NT của Đảng.

Cùng với đó, lợi dụng hoạt động phản biện xã hội, các thế lực thù địch và một số văn nghệ sĩ cực đoan sử dụng mạng xã hội để đăng tải, bình luận, bày tỏ quan điểm cá nhân về các vấn đề thời sự, chính trị của đất nước thông qua “lăng kính” VHNT với cái nhìn một chiều, phê phán cực đoan, gieo rắc sự hoài nghi về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta...

Bảo vệ từ xa

Nhiều năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng gắn với đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực VH-NT.

Trong đó, xuyên suốt và cốt lõi là triển khai thực hiện Chương trình hành động số 20, ngày 31/10/2008 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 23, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển VH-NT trong thời kỳ mới đạt nhiều kết quả.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các hội VH-NT Việt Nam (tháng 7/2023), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng khẳng định, những thành quả trên lĩnh vực VH-NT của tỉnh kể từ khi thực hiện Nghị quyết số -23 của Bộ Chính trị khóa X không chỉ nhờ sự quan tâm, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền mà còn nhờ vào sự đóng góp thường xuyên, tâm huyết trên tinh thần nghệ sĩ - công dân của đội ngũ văn nghệ sĩ Quảng Nam.

Đặc biệt, trong thời gian qua, nhiều chính sách nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về VH-NT đã được ban hành. Trong đó, có tác động rất tích cực như: Đề án về cơ chế hỗ trợ đặc thù cho nghệ sĩ, diễn viên, tuyên truyền viên trên địa bàn tỉnh; Chính sách hỗ trợ sáng tạo, phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2025; Quy định về Giải thưởng VH-NT đất Quảng (5 năm xét một lần) và Tặng thưởng VH-NT Quảng Nam (xét thưởng hằng năm). Từ năm 2017 đến nay, đã có gần 100 tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam được hỗ trợ kinh phí để xuất bản.

Với Giải thưởng VH-NT Đất Quảng, đã có 160 tác phẩm và với Tặng thưởng VH-NT Quảng Nam đã có hơn 200 tác phẩm được khen thưởng, tôn vinh... Cùng với đó, với việc thực hiện Đề án hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình VH-NT của Thủ tướng Chính phủ một cách chặt chẽ, trong 15 năm trở lại đây Hội VH-NT tỉnh đã tạo điều kiện cho 300 lượt văn nghệ sĩ xuất bản, công bố tác phẩm, công trình VH-NT...

Bên cạnh đó, nhiều năm qua, Hội VH-NT tỉnh luôn phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức hội thi mỹ thuật thiếu nhi, hội thi thiếu nhi kể chuyện, giới thiệu sách... nhằm phát hiện tài năng VH-NT và làm lan tỏa thói quen đọc sách.

Hằng năm, Hội VH-NT tỉnh còn tổ chức 1-2 trại sáng tác và nhiều chuyến đi thực tế theo chủ đề dành cho hội viên. Đặc biệt, nhằm tăng cường trình độ, kỹ lực thẩm định, phê bình, trong 10 năm trở lại đây Quảng Nam đã cử hơn 40 lượt cán bộ quản lý và văn nghệ sĩ tham gia các khóa bồi dưỡng do Hội đồng Lý luận, phê bình VH-NT Trung ương tổ chức.

Trong khi đó, công tác đấu tranh, ngăn ngừa các biểu hiện lệch lạc trong hoạt động VH-NT; ngăn chặn các sản phẩm VH-NT xấu độc cũng được chú trọng. Thông qua các đầu mối là 8 chi hội chuyên ngành, Hội VH-NT tỉnh thường xuyên và kịp thời chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về VH-NT đến với 250 cán bộ, hội viên (trong đó có 76 hội viên là đảng viên) của hội; chấn chỉnh, nhắc nhở các hội viên có hành vi sai trái, thiếu chuẩn mực.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích, Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh, tất cả chủ trương, chính sách và hoạt động thực tiễn dành cho hoặc liên quan đến VH-NT thời gian qua đã góp phần ngăn chặn từ xa, giúp văn nghệ sĩ Quảng Nam miễn nhiễm với các sản phẩm VH-NT xấu độc, góp phần thiết thực vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay...

PHÚ MỸ