Điện Bàn thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp
84 doanh nghiệp đang đầu tư vào 9 cụm công nghiệp tại Điện Bàn, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 66,42%. Mặc dù cao hơn so với một số địa phương khác, nhưng con số trên vẫn chưa như kỳ vọng.
Vướng giải phóng mặt bằng
Dự kiến, quý II/2024, Công ty SH Window khởi công xây dựng nhà máy sản xuất đồ nội, ngoại thất gia dụng trên diện tích đất thuê 1ha tại Cụm công nghiệp (CCN) Trảng Nhật 2 (xã Điện Hòa).
Đây là một trong số 3 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục thuê đất tại CCN Trảng Nhật 2 trong năm 2023 (cùng 2 doanh nghiệp khác là Công ty CP HTP và Công ty Cơ khí Nông Sơn) nâng số doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong CCN Trảng Nhật 2 lên 15 đơn vị, đạt tỷ lệ lấp đầy 80,3% diện tích đất.
Điện Bàn hiện có 9 CCN đang hoạt động, tổng diện tích đất quy hoạch gần 256ha. Tính đến cuối năm 2022 có 84 dự án đăng ký thuê đất, tổng vốn đầu tư theo dự án 4.181 tỷ đồng, số diện tích đất đăng ký thuê khoảng 178,13ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN đạt 66,42%.
Bên cạnh một số CCN có tỷ lệ lấp đầy cao như CCN Trảng Nhật 2 (Điện Hòa), CCN An Lưu (Điện Nam Đông, 86,6%)... thì nhiều CCN có tỷ lệ lấp đầy khá thấp, cá biệt tại CCN Thương Tín (Điện Nam Đông) tỷ lệ lấp đầy chỉ khoảng 15%.
Một trong những nguyên nhân khiến số dự án đầu tư vào các CCN ở Điện Bàn chưa như mong muốn do vướng giải phóng mặt bằng, khiến công tác xây dựng hạ tầng trong CCN gặp khó khăn, tiến độ chậm trễ dẫn đến mất cơ hội kêu gọi doanh nghiệp đầu tư.
Cạnh đó, trình tự thủ tục đầu tư vào CCN qua nhiều quy trình (từ chấp thuận nghiên cứu đến cấp phép xây dựng phải thực hiện đầy đủ 11 bước....) và liên quan đến nhiều sở, ngành của tỉnh cũng như các phòng, ban của thị xã.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, bên cạnh những khó khăn vướng mắc nội tại thì việc sửa đổi, bổ sung các luật và nghị định từ năm 2020 đến nay như Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng hay Nghị định 31/2021 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công, Nghị định 08/2022 Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường… dẫn đến việc hướng dẫn triển khai dự án đầu tư gặp khó khăn, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào CCN.
Chưa kể, chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của đơn vị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường thiệt hại và tái định cư thay đổi cũng ảnh hưởng đến quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án trong CCN.
Ưu tiên dự án “xanh”
Kinh tế suy thoái cũng tác động khá lớn đến doanh nghiệp khiến khả năng đầu tư, mở rộng sản xuất bị ảnh hưởng. Dù vậy, so với một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh, thu hút dự án vào các CCN Điện Bàn nhìn chung vẫn tích cực do địa phương luôn tạo điều kiện tốt để doanh nghiệp đầu tư hoạt động sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống của người dân.
Ông Nguyễn Hữu Quang - Quản lý nhân sự Công ty TNHH MTV May Thêu Mạnh Tiến chia sẻ, sau hơn 10 năm đầu tư vào CCN Thương Tín, công ty hoạt động sản xuất kinh doanh rất ổn định, điều kiện hạ tầng thuận lợi, đảm bảo vận chuyển lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp.
Năm 2012 Công ty Mạnh Tiến thuê 20ha đất tại CCN Thương Tín, bình quân mỗi tháng xuất sang thị trường châu Âu một contenier hàng, giải quyết việc làm cho hơn 100 công nhân địa phương.
Ông Nguyễn Đức Chơi cho biết, địa phương luôn đảm bảo điều kiện và môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi đầu tư vào CCN. Ngoài hoàn thiện hạ tầng thiết yếu, đáp ứng yêu cầu lưu thông hàng hóa thì công tác bảo vệ môi trường cũng được giám sát chặt chẽ. Trong đó, việc rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp được thực hiện thường xuyên, kịp thời.
“Điện Bàn xác định phát triển công nghiệp bền vững, do đó trong công tác thu hút đầu tư chúng tôi chú trọng lựa chọn các dự án đảm bảo yêu cầu về môi trường, chứ không phải bất chấp để chạy theo số lượng” - ông Chơi nói.
Theo ông Chơi, thời gian tới Phòng Kinh tế sẽ tham mưu UBND thị xã hướng dẫn thủ tục hành chính cần thiết theo thứ tự các bước từ thỏa thuận nghiên cứu đầu tư dự án đến khi được thông báo thẩm định hồ sơ thiết kế xây dựng, qua đó tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh trong CCN với ngành nghề phù hợp theo quy hoạch, ít phát sinh hoặc không phát sinh nước thải sản xuất, khí thải, chất thải công nghiệp, không nguy hại môi trường.
Hầu hết dự án của doanh nghiệp đầu tư vào các CCN đều đảm bảo hồ sơ môi trường, tuân thủ tốt quy định bảo vệ môi trường. Việc lưu giữ, xử lý chất thải rắn được doanh nghiệp hợp đồng với đơn vị chức năng tiến hành thu gom.
Đối với những CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải, thị xã thực hiện kêu gọi đầu tư, bố trí những ngành nghề không có nước thải sản xuất hoặc những dự án có công nghệ xử lý, tái sử dụng nước thải sản xuất.