Ma lực đồng tiền
Có lẽ ngoại trừ những bậc chân tu thoát chốn bụi trần phàm phu tục tử, còn đa số người đời thường ít nhiều bị đồng tiền quyến rũ.
Ai càng ham giàu có càng dễ bị cầm cố trong giấc mộng kim tiền. Lòng tham vô đáy sẽ dẫn con người đến cõi “ngạ quỷ” với những mưu ma nhằm kiếm ra tiền bất chấp thủ đoạn, kiếm được bao nhiêu cũng không thấy đủ.
Điển hình về ma lực đồng tiền có thể dẫn chuyện râm ran suốt nhiều ngày qua là vụ bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền khổng lồ, lên đến 304.096 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Tiền đó là mồ hôi nước mắt tích cóp của khách hàng và người dân gửi vào SCB.
Có người tính thử, nếu bà Lan mỗi ngày tiêu khoảng 1 tỷ đồng, thì cả ngàn năm mới hết số tiền chiếm đoạt đó. Số tiền ấy còn hơn tổng tài sản của cả 5 tỷ phú Việt Nam (hiện ở mức 11,8 tỷ USD). Rốt cuộc già tới chết chỉ có 4 tấm ván dài, 2 miếng ngắn, sao mà tham ăn quá thể đến khủng khiếp vậy (!?)
Bằng các thủ đoạn như mafia, bà Lan lập ra nhiều công ty ma để rút tiền của SCB. Khi bị thanh tra thì lại dùng tiền hối lộ làm mờ mắt các vị chức sắc thực thi công vụ. Chuyện ăn tiền hối lộ của cán bộ thanh tra cũng đến mức ghê gớm, có người coi gần 120 tỷ như gói quà “cảm ơn” đem cất không cần đếm (!).
Mà chẳng ai đủ thời giờ để đếm những món tiền phải quy ra đô la, còn tiền Việt phải cân hàng tạ, hàng tấn. Điều đáng lo là nhiều người dân xôn xao vì sự móc nối của các “nhà băng” và các đại gia mafia.
Lấy tiền mua tiền, biến hóa khôn lường qua trái phiếu, cổ phiếu, bất động sản, rồi lại bán lấy tiền, cách kiếm lợi với những móc ngoặc lòng vòng khiến người gửi tiền đâm lo. Trước đây từng có vụ ACB, nay thì tới SCB, khiến khách hàng gửi tiền thấy khó mà yên tâm khi những “đại gia” cấu kết với giới chủ ngân hàng bất chấp luật lệ.
Nói ma lực đồng tiền không phải là quy kết tội lỗi do nó mà bởi con người sử dụng nó, mê đắm nó vì lòng tham vô hạn độ. Tiền là phát kiến có ý nghĩa to lớn để cho nền kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường phát triển.
Người xưa đã ca “tiền không chân xa gần đi khắp” cho thấy chuyện đồng tiền phổ biến ở nhân gian khi nảy sinh nhu cầu trao đổi thương mại. Nhưng rồi những hành vi bẩn thỉu của không ít người đã làm nhơ nhớp khuôn mặt đồng tiền, nên nhân loại đã bao phen điên đảo do chuyện “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”.
Có cách gì tránh được ma lực của đồng tiền không? Hẳn nhiên là có, như đã đề cập có các bậc chân tu khổ hạnh không màng tiền bạc, đến tấm thân còn coi là cát bụi thì tài sản chẳng ý nghĩa gì.
Tuy vậy, trường hợp ấy hiếm hoi và phụ thuộc cái tâm. Với nhân gian phổ quát thì xã hội có định chế pháp luật để răn đe những ai ham tiền làm điều xằng bậy, cưỡng đoạt tài sản, tham ô, tham nhũng… Sâu xa còn ở giáo dục luân lý, đạo đức từ gia đình đến xã hội, từ tuổi nhỏ đến trưởng thành, tạo ra nếp ứng xử với đồng tiền một cách ý nghĩa, nhân văn.
Nhân đây, cũng xin kể lại chuyện chị Nguyễn Thị Soa ở Tiên An, Tiên Phước, được báo chí ca ngợi vì không tham của rơi. Tuần qua, trên đường đi, chị Soa nhặt được chiếc ví có 26 nhẫn vàng, 1 dây chuyền vàng và 87 triệu đồng, quy đổi tất cả ra tiền khoảng 250 triệu đồng.
Với một người nghèo, số tiền ấy là cả gia sản, có thể đổi đời, nhưng chị Soa đã đem trình báo chính quyền để rồi trả lại cho chị Ngô Thị Nhi, người cùng xã. Thì ra, đâu phải mặc áo cà sa mới là Phật, chị Soa như hiện thân của Bụt, không bị đồng tiền mê đắm để bất nhân mà giấu đi tiền vàng mình bỗng dưng nhặt được.
Ý nghĩa thay: tiền dùng đúng, tiền hiền như Phật; bạc sai lầm, bạc ác hơn ma!