Góp ý dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở: Quy định rõ phần việc, rõ trách nhiệm

TÂM ĐAN 27/11/2023 08:30

Để chính sách khi ban hành phát huy hiệu quả, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở. Ảnh: T.Đ
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở. Ảnh: T.Đ

Cần quy định cụ thể

Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (DCCS) được Quốc hội ban hành ngày 10/11/2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Điểm đặc biệt là Luật này dành riêng Điều 8 quy định 5 biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, đồng thời quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, cấp huyện xây dựng, trình HĐND cùng cấp quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện DCCS trên địa bàn.

Cần phát huy các nhóm Zalo

Nhiều ý kiến cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện DCCS cần xây dựng những biện pháp cụ thể. Trong đó, đề nghị xây dựng nhóm Zalo gắn với từng cộng đồng dân cư để người dân trực tiếp phản ánh các vấn đề lên thôn trưởng, tổ trưởng. Đồng thời bồi dưỡng cho người dân biết sử dụng mạng internet và bồi dưỡng từng nhóm quản trị để kiểm soát thông tin xấu, độc và tiếp nhận những thông tin chân thành…

Theo ông Hùng, để Luật Thực hiện DCCS đi vào cuộc sống, thể hiện cơ sở pháp lý quan trọng để nhân dân phát huy quyền làm chủ một cách thực chất thì nghị quyết của HĐND tỉnh về các biện pháp bảo đảm thực hiện DCCS mang tính quyết định. Do đó, việc phản biện xã hội với dự thảo nghị quyết là hết sức cần thiết.

Ông Trương Hồng Giang - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh về thực hiện DCCS trên địa bàn tỉnh được xây dựng trên cơ sở đề ra các nguyên tắc, mục tiêu bảo đảm thực hiện DCCS, đồng thời cụ thể hóa với 6 nội dung liên quan đến biện pháp bảo đảm thực hiện DCCS.

Đó là các biện pháp về bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức; hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin...

Định hướng góp ý, phản biện dự thảo nghị quyết, ông Nguyễn Phi Hùng cho rằng, dự thảo chưa chỉ được... “con đường” cụ thể để thực hiện DCCS.

“Lâu nay, khó khăn lớn nhất trong thực hiện pháp luật DCCS nói chung và các văn bản, nghị định hướng dẫn thực hiện là tính khả thi. Dân chủ thực sự ở cơ sở là vấn đề khó khăn nhất. Bởi vậy, vấn đề mong muốn là Nghị quyết HĐND tỉnh sau khi ban hành sẽ chỉ rõ được những việc cụ thể để triển khai thực hiện” - ông Hùng nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh còn mang tính chung chung, khi ban hành sẽ khó triển khại thực hiện trong thực tế.

Ông Trần Văn Tương - Trưởng ban Công tác Mặt trận khối phố Trường Đồng (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) nói: “Nội dung dự thảo cần cụ thể hơn để thuận tiện, dễ áp dụng khi triển khai ở cơ sở”.

Nên tập trung về cơ sở

Theo ông Tương, Luật Thực hiện DCCS được ban hành đã khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm dân chủ. Tuy nhiên, để luật đi vào cuộc sống thì nghị quyết của HĐND tỉnh nên cụ thể hóa rõ việc là “ai làm, làm ở đâu, kinh phí ở đâu, ai chịu trách nhiệm...”. Nếu không khéo, vô tình mang tiếng là dân chủ hình thức...

Ông Trần Văn Tương - Trưởng ban Công tác Mặt trận khối phố Trường Đồng (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ). Ảnh: T.Đ
Ông Trần Văn Tương - Trưởng ban Công tác Mặt trận khối phố Trường Đồng (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ). Ảnh: T.Đ

Ông Thái Nguyên Đại - Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, khái niệm DCCS trong Luật phạm vi quá rộng - từ cơ quan, đơn vị, tổ chức đến cộng đồng dân cư.

Do đó, nghị quyết của HĐND tỉnh nên thu gọn lại và hướng thẳng đến nhóm thực hiện DCCS ở thôn, khối phố và chính quyền cơ sở để tập trung thực hiện. Còn ở cơ quan, đơn vị thì việc bảo đảm dân chủ đã có luật và các quy chế, quy định được ban hành, thực hiện đầy đủ.

“Mối quan hệ giữa người dân với tổ, thôn, khối phố, chính quyền cấp xã còn nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh. Đây là nhóm quan trọng vì có nhiều vấn đề mà chính quyền cấp xã chưa giải quyết hết, cần có những biện pháp cụ thể, hiệu quả để thực hiện DCCS” - ông Đại nói.

Ông Đại đề xuất thành lập quỹ thực hiện DCCS ở thôn, khối phố để sử dụng nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh đòi hỏi có kinh phí; chọn ngày hội đại đoàn kết toàn dân là ngày thực hiện DCCS...

Trong khi đó, đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tam Hòa (Núi Thành) đề xuất, dự thảo nghị quyết HĐND tỉnh cần bổ sung chế tài xử lý đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối với những nơi để xảy ra tình trạng vi phạm quy định về thực hiên DCC.

Ngoài ra có ý kiến nêu giải pháp về việc cần bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, năng lực chuyên môn cho Ban giám sát đầu tư cộng đồng... Bởi đã thực hiện dân chủ thì giám sát và phản biện xã hội là nền tảng để thực hiện. Tuy nhiên, công tác phản biện và giám sát của Ban giám sát đầu tư cộng đồng của Mặt trận không có chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thì rất khó làm...

TÂM ĐAN