Giáo dục ý thức bình đẳng giới cho học sinh

CHÂU NỮ 26/11/2023 08:10

Các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao ý thức cho học sinh về bình đẳng giới; qua đó dần hình thành trong các em những hành vi “bình đẳng”.

Học sinh nam và nữ Trường Tiểu học Kim Đồng (Tam Kỳ) cùng phụ giúp cô giáo phục vụ bữa ăn bán trú. Ảnh: C.N
Học sinh nam và nữ Trường Tiểu học Kim Đồng (Tam Kỳ) cùng phụ giúp cô giáo phục vụ bữa ăn bán trú. Ảnh: C.N

Giáo dục từ nhỏ

Không đợi khi học sinh đến độ tuổi biết phân biệt giới tính mới giáo dục cho các em về giới và bình đẳng giới (BĐG), mà ngay từ bậc học mầm non, tiểu học, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã giáo dục giới tính.

Hướng tới chủ đề “Thúc đẩy BĐG, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, Ngày quốc tế trẻ em gái (11/10) vừa qua, Trường Tiểu học Kim Đồng (Tam Kỳ) tổ chức ngoại khóa dành cho tất cả học sinh nữ khối 4 và khối 5 để hướng dẫn các em tự biết cách bảo vệ, chăm sóc bản thân.

Học sinh nữ trực tiếp tham gia hoạt động tìm hiểu về trẻ em gái; quyền, nghĩa vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em gái. Nhân viên y tế của nhà trường hướng dẫn phương pháp, kỹ năng bảo vệ trẻ em gái trước những hành vi, mối nguy hiểm liên quan đến quấy rối, xâm hại tình dục trẻ em gái...

Tìm hiểu kiến thức pháp luật về BĐG để nâng cao hiểu biết của học sinh cũng là cách được nhiều trường lựa chọn. Các trường học ở vùng cao, còn lồng ghép nội dung phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức pháp luật về BĐG”, xoay quanh nội dung BĐG, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được UBND huyện Nam Trà My và Sở LĐ-TB&XH tổ chức cho học sinh Trường THCS Trà Mai mới đây là một ví dụ.

Đại diện Sở GD-ĐT cho biết, sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc giáo dục về BĐG, nhất là trong Tháng hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Nhiều hoạt động liên quan còn được tổ chức trong trường học như các cuộc thi về chủ đề BĐG và bạo lực trên cơ sở giới như thi tìm hiểu pháp luật, sáng tác, sân khấu hóa; các hoạt động văn nghệ, thể thao...

Song song với đó, Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn giảng dạy các nội dung giáo dục về giới, giới tính, sức khỏe sinh sản, BĐG cho giáo viên, học sinh; nhân rộng các mô hình phòng tư vấn tâm lý và tổ tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường học; các hoạt động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực tại trường học.

Hình thành hành vi bình đẳng giới

Tại các trường tiểu học có tổ chức bán trú, đến giờ ăn, nhiều học sinh nam đã nhanh nhảu phụ giúp cô giáo và học sinh nữ làm những việc nặng hơn như khiêng phần cơm, chia cơm...

Hành vi này được hình thành từ những hoạt động giáo dục về BĐG, mà theo nhiều giáo viên, từ đây sẽ hướng các em hình thành những hành vi thiết thực hơn như biết chia sẻ, quan tâm đến mọi người, đặc biệt là phụ nữ.

Như tại Trường Tiểu học Kim Đồng, qua hoạt động về chủ đề “Mẹ mến yêu” vừa tổ chức, học sinh khối 1, 2, 3 đã trải nghiệm lột trứng cút giúp mẹ. Có trường còn tổ chức cho học sinh lặt rau, chăm em, gấp chăn gối…

Một phụ huynh ở Tam Kỳ chia sẻ, chị rất hài lòng khi trường tiểu học của con chị tổ chức cho học sinh tham gia trải nghiệm, sẻ chia với người khác, bởi như vậy, ở nhà con chị sẽ biết cách chia sẻ việc nhà với người thân cũng như biết cách tự chăm sóc bản thân mình.

Vị phụ huynh này kể, ngày 20/10 vừa qua, nhiều học sinh đã gửi tình cảm của mình đến bà, mẹ, cô giáo, chị em gái… bằng những tấm thiệp nhỏ xinh tự tay các em làm kèm lời chúc. Một bạn đã nam ghi trên thiệp: “Con không thể quên được công ơn của mẹ - người luôn thầm lặng hy sinh cho gia đình, đã chăm sóc, nuôi nấng và dạy dỗ con nên người”.

Bà Nguyễn Thị Tâm Hiền - Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ nói, “bức tranh” BĐG trong trường học của thành phố nhìn chung là tích cực, bởi cả học sinh nam và nữ đều có cơ hội bình đẳng sinh hoạt, học tập, rèn luyện.

Tuy nhiên, bà Hiền cũng nhìn nhận thực tế hiện nay tỷ lệ học sinh nữ và học sinh nam trong trường học khá chênh lệch. Thống kê số lượng học sinh của ngành GD-ĐT thành phố cho thấy, ở bậc học mầm non, tỷ lệ học sinh nữ/học sinh nam là 46,5%; cấp tiểu học là 49% và cấp THCS là 47,8%...

“Số liệu nêu trên cho thấy tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra nhiều năm, mà nguyên nhân có phần nào bắt nguồn từ tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của cha mẹ, gia đình. Mặt khác vẫn còn gia đình quan niệm, con trai có triển vọng và có được việc làm tốt hơn con gái khi có cùng trình độ học vấn.

“Chính sự thiên lệch trong hướng đầu tư giáo dục cho con cái của một số gia đình dẫn đến thực trạng trẻ em gái thường chịu thiệt thòi hơn trong cơ hội đến trường, tìm kiếm việc làm. Và điều này đã làm gia tăng thêm khoảng cách bất BĐG trong cơ hội thụ hưởng các thành quả giáo dục của trẻ em nam và trẻ em nữ” - bà Hiền chia sẻ.

CHÂU NỮ