Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới: Nhiều vướng mắc khi thực hiện
Tại cuộc làm việc với Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh mới đây, UBND huyện Phú Ninh cho biết, đã thực hiện đạt 4/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao và nêu ra nhiều vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế hỗ trợ của tỉnh ở cơ sở.
Đối với triển khai thực hiện các cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất, theo UBND huyện Phú Ninh, tại Quyết định số 291 ngày 22/1/2020 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/2019 của HĐND tỉnh đặt ra yêu cầu quá lớn.
Theo đó, quy định quy mô tối thiểu mỗi dự án/kế hoạch phải đạt 200 con bò thịt, 1.000 con heo thịt, hoặc 10.000 con gà thịt; 50ha đối với sản xuất lúa giống, 100ha đối với sản xuất lúa thương phẩm, 2ha đối với sản xuất rau...
Trong khi đó, diện tích sản xuất của từng hộ quá nhỏ, quy mô chăn nuôi nhỏ nên việc triển khai, tổ chức thực hiện yêu cầu số hộ dân tham gia rất đông, rất khó khăn cho các chủ trì dự án (hợp tác xã, doanh nghiệp).
Từ thực tiễn cũng cho thấy, chưa có sự phù hợp giữa quy mô và kinh phí hỗ trợ đối với dự án/kế hoạch phát triển sản xuất trên phạm vi xã, huyện và tỉnh. Vì vậy người dân tham gia sản xuất trên cùng một lĩnh vực nhưng ở dự án cấp xã, huyện do quy định hỗ trợ kinh phí thấp dẫn đến người dân hỗ trợ thấp hơn hoặc ít chu kỳ sản xuất hơn, dẫn đến không công bằng.
Đơn cử, quy định ở phạm vi cấp xã tối đa hỗ trợ 300 triệu đồng, cấp huyện 1 tỷ đồng, cấp tỉnh 3 tỷ đồng dẫn đến việc người dân tham gia liên kết sản xuất ở các dự án khác nhau được hỗ trợ khác nhau dù cùng thực hiện quy mô sản xuất như nhau.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 5 về mức hỗ trợ chi phí mua giống và các vật tư thiết yếu cho khu vực đồng bằng ghi hỗ trợ 50% (không phải là tối đa đến 50%). Từ đó, khi phê duyệt dự án không có cơ sở pháp lý để giảm tỷ lệ hỗ trợ, dẫn đến rất khó cân đối nguồn bởi quy mô dự án lớn nhưng kinh phí hỗ trợ thấp.
Đối với Nghị quyết số 38/2021 của HĐND tỉnh, UBND huyện Phú Ninh cho biết, làng nghề truyền thống hiện nay sản xuất gặp nhiều khó khăn và nguy cơ mai một rất cao. Các xã, thị trấn đang xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề truyền thống nhưng các giải pháp thực hiện rất lúng túng.
Những khó khăn nổi lên là tình trạng thiếu lao động do giới trẻ không tha thiết gắn bó với nghề. Vốn đầu tư còn hạn hẹp, các hộ sản xuất không đủ vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Một số công trình hạ tầng giữ gìn bản sắc làng nghề xuống cấp nghiêm trọng không có nguồn kinh phí khắc phục, sửa chữa...
Về thực hiện các bộ tiêu chí nông thôn mới, đến nay, quy định về đánh giá, xét công nhận huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao chưa ban hành. Một số nội dung vướng mắc trong thực hiện bộ tiêu chí so với thực tiễn chưa có hướng dẫn.