Thăng Bình hỗ trợ phát triển mạnh sản phẩm OCOP
Từ năm 2018 đến nay, huyện Thăng Bình tích cực hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, hộ cá thể đầu tư phát triển mạnh sản phẩm OCOP với đa dạng chủng loại.
Năm 2020, bà Ngô Thị Lộc ở thôn Kế Xuyên 2 (xã Bình Trung, Thăng Bình) thành lập HTX sản xuất & kinh doanh Lộc Nhiên Phát. Ngành nghề hoạt động chính của HTX là sản xuất và cung ứng các loại sản phẩm như siro húng chanh tỏi đen, trà thảo mộc, sữa hạt dinh dưỡng, mứt tắc xanh tỏi đen, bánh thanh dinh dưỡng…
Sau khi thành lập, HTX đầu tư khoảng 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt trang thiết bị máy móc... phục vụ sản xuất, kinh doanh. Trong tổng kinh phí đầu tư vừa nêu, có 500 triệu đồng vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh.
Bà Lộc cho biết, nhận thấy siro húng chanh tỏi đen Lộc Nhiên có chất lượng tốt và được người tiêu dùng ưa chuộng, đầu năm 2023 HTX đăng ký tham gia chương trình OCOP.
Trong quá trình triển khai, HTX được ngành liên quan của huyện, chính quyền xã Bình Trung tạo điều kiện tham gia các khóa tập huấn về chu trình OCOP và hướng dẫn lập hồ sơ xây dựng sản phẩm, phát triển sản xuất, kinh doanh, đánh giá phân hạng sản phẩm. Đặc biệt, UBND huyện Thăng Bình đã xét hỗ trợ HTX 233 triệu đồng để mở rộng nhà xưởng, trang bị máy móc để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm…
“Nhờ đảm bảo các yêu cầu theo quy định, vừa qua hội đồng thẩm định của huyện Thăng Bình đã tiến hành đánh giá, xét công nhận sản phẩm siro húng chanh tỏi đen Lộc Nhiên đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2023” - bà Lộc nói.
Bà Lộc cho hay, để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến sản phẩm siro húng chanh tỏi đen, những năm qua đơn vị đẩy mạnh liên kết với một số HTX khác và nông dân địa phương tổ chức sản xuất các loại rau húng chanh, lá hẹ, diếp cá, tía tô, gừng…; còn tỏi đen thì đặt mua từ những cơ sở có uy tín ở huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi.
“Gần 4 năm qua, nhờ chú trọng xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm với đa dạng hình thức nên thị trường tiêu thụ siro húng chanh tỏi đen Lộc Nhiên liên tục mở rộng.
Hiện nay, sản phẩm này đã có mặt tại nhiều cửa hàng, đại lý, siêu thị, phòng khám, bệnh viện, nhà thuốc… trên địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng. Bình quân hằng tháng, HTX sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 - 3.000 hũ siro húng chanh tỏi đen, đạt doanh thu từ 140 - 420 triệu đồng” - bà Lộc nói.
Ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng phòng NN&PTNT Thăng Bình cho hay, giai đoạn 2018 - 2023, từ nguồn vốn do tỉnh phân bổ, mỗi năm huyện hỗ trợ khoảng 900 triệu đồng thực hiện chương trình OCOP.
Ngoài nguồn vốn trực tiếp của chương trình OCOP, 5 năm qua Thăng Bình cũng linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn khác để tiếp sức cho các chủ thể sản phẩm. “Nhờ ngành liên quan và chính quyền các địa phương nỗ lực triển khai hiệu quả nhiều phần việc, đến thời điểm này Thăng Bình đã có 31 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, gồm 4 sản phẩm 4 sao và 27 sản phẩm 3 sao” - ông Khiết nói.
Năm 2024, Thăng Bình sẽ tiếp tục chi ít nhất 900 triệu đồng để hỗ trợ các chủ thể phát triển mới 7 - 8 sản phẩm OCOP. Trong đó, huyện ưu tiên hỗ trợ phát triển những sản phẩm có thế mạnh của địa phương, chủ động nguồn nguyên liệu, liên kết sản xuất theo chuỗi, chế biến sâu…