Thăng Bình thí điểm chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt
(QNO) - Nhằm tạo thuận lợi cho người hưởng chính sách không phải tập trung chờ lĩnh tiền như trước, huyện Thăng Bình triển khai thí điểm chi trả chế độ chính sách không dùng tiền mặt.
Khác với thường lệ, phải đến điểm chi trả chế độ chính sách an sinh xã hội tập trung nộp sổ từ sớm, chờ hết gần một buổi mới lĩnh được tiền, kỳ nhận chế độ bảo trợ xã hội tháng 11 này, bà Bùi Thị Điểm – Khu phố 3, thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) chỉ ngồi nhà, chờ tin báo chuyển tiền vào tài khoản của ngân hàng.
Bà Bùi Thị Điểm chia sẻ, ở tuổi ngoài 75, bị bệnh hiểm nghèo, bản thân lại không có một chế độ lương nào nên mấy năm nay bà được xét thuộc diện hưởng bảo trợ xã hội, với mức 720.000 đồng/tháng. Trong đợt kê khai thông tin đăng ký hình thức chi trả chế độ bảo trợ xã hội, bà ủy quyền nhận tiền của mình qua tài khoản ngân hàng của con dâu. Những ngày tháng 11, Hà Lam có lúc nắng lúc mưa, ở nhà nhận tiền bảo trợ từ người thân rút về đưa cho, theo bà rất thuận tiện. “Sau ngày chi trả theo quy định, con tôi rãnh lúc nào rút về đưa lúc đó, chủ động thế mà tiện” - bà Điểm nói.
Từ tháng 9/2023, thực hiện kế hoạch của UBND huyện Thăng Bình, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, các phòng, ban, đơn vị liên quan và UBND thị trấn Hà Lam phối hợp triển khai tuyên truyền, thu thập và cập nhập thông tin, đăng ký, mở tài khoản ngân hàng cho các đối tượng thuộc diện hưởng chế độ, chính sách.
Ông Nguyễn Ngọc Duẫn - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) cho biết, theo khảo sát, Hà Lam có 1.600 người đang hưởng chế độ chính sách an sinh xã hội. Trong đó, có 353 người có công và 1.247 đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP hưởng trợ cấp hàng tháng, chăm sóc nuôi dưỡng và các Nghị quyết 43, Nghị quyết 14 HĐND tỉnh.
Trong kỳ chi trả tháng 11/2023, thị trấn Hà Lam và các đơn vị liên quan đã tiến hành chi trả theo hình thức chuyển khoản, không dùng tiền mặt với 774 người hưởng chế độ bảo trợ xã hội, 213 người có công - đạt hơn 60%. Cơ bản, đảm bảo đúng kế hoạch về thí điểm chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với người có công cách mạng và bảo trợ xã hội trên địa bàn thị trấn Hà Lam.
Thị trấn Hà Lam hiện còn khoảng 40% người đang hưởng chính sách an sinh xã hội thường xuyên chưa thực hiện chi trả không dùng tiền mặt, nguyên nhân là do người thụ hưởng không mở tài khoản ngân hàng mà nhờ thông qua tài khoản người thân, yêu cầu phải có giấy ủy quyền. Về vấn đề này, địa phương đang phối hợp các ngân hàng có tài khoản ủy quyền gặp gỡ, hướng dẫn để người hưởng lợi và thân nhân người hưởng lợi thực hiện theo đúng quy định.
“Chúng tôi sẽ cố gắng vận động chi trả không dùng tiền mặt với phần lớn số người được hưởng, riêng những trường hợp không có người ủy quyền hoặc có nguyện vọng muốn nhận tiền trực tiếp địa phương và các đơn vị chức năng sẽ có phương án chi trả phù hợp. Với mục đích cuối cùng là tăng tính chủ động và tạo thuận lợi cho mọi công dân” - ông Duẫn nói.
Ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết: Chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với người có công cách mạng và bảo trợ xã hội đang được huyện Thăng Bình thực hiện thí điểm tại thị trấn Hà Lam và xã Bình Tú. Đây là hoạt động nhằm từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong chi trả chính sách trợ giúp xã hội đối với người dân, đảm bảo chi trả kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí.
Theo kế hoạch, Thăng Bình phấn đấu đến tháng 12/2023 các địa phương thí điểm thực hiện xong việc chi trả theo hình thức này. Kế đến, huyện sẽ có tổng kết rút kinh nghiệm và có kế hoạch nhân rộng toàn huyện, ông Nguyễn Văn Húy thông tin thêm.