Tổn thương vì biến đổi khí hậu
(QNO) - Theo công bố hôm qua 28/11 của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Việt Nam nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu (BĐKH).
Mực nước biển dâng cao
Trong hai thập kỷ qua, mực nước biển dâng làm tăng nguy cơ lũ lụt cho 14 triệu người ở các vùng ven biển. Nguy cơ này dự kiến tăng gần gấp 5 lần vào năm 2100, ảnh hưởng đến gần 73 triệu người.
UNDP phối hợp với Phòng Thí nghiệm tác động khí hậu (CIL) công bố dữ liệu trên thông qua nền tảng Human Climate Horizons - ứng dụng cung cấp bản đồ chi tiết về khả năng xảy ra lũ lụt, nêu bật các khu vực nơi nhà cửa và cơ sở hạ tầng gặp rủi ro cao nhất do mực nước biển dâng.
Đáng chú ý, khu vực Mỹ Latinh, châu Phi và Đông Nam Á đang phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng về tình trạng ngập lụt thường xuyên, đặc biệt ở vùng trũng thấp.
Nếu nhiệt độ trái đất nóng lên nghiêm trọng, khoảng 160 nghìn kilômet vuông đất ven biển có thể chìm dưới nước vào năm 2100, ảnh hưởng đến các thành phố lớn ven biển ở các quốc gia như Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam.
Nếu không có hệ thống phòng thủ bờ biển hiệu quả, một số thành phố lớn trên thế giới có thể chứng kiến hơn 5% diện tích bị ngập nước vào cuối thế kỷ này.
Nhưng UNDP chỉ ra rằng, việc giảm phát thải đáng kể có thể cứu được khoảng một nửa diện tích đất có nguy cơ bị ngập lụt.
Ông Pedro Conceicao - Giám đốc Văn phòng Báo cáo phát triển con người của UNDP nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải hành động để giảm thiểu rủi ro trên.
GDP toàn cầu giảm hàng nghìn tỷ USD do BĐKH
Ngày 28/11, báo cáo của Đại học Delaware (Mỹ) ước tính tác động từ BĐKH do con người gây ra làm giảm 6,3% sản lượng kinh tế toàn cầu vào năm ngoái.
Thiệt hại trên phản ánh hậu quả trực tiếp của BĐKH như sự gián đoạn trong nông nghiệp, sản xuất cũng như giảm năng suất do nhiệt độ cao và cả các tác động lan tỏa đến thương mại và đầu tư toàn cầu.
Tác giả chính James Rising của báo cáo cho biết: "Thế giới nghèo hơn hàng nghìn tỷ đô la vì BĐKH và phần lớn gánh nặng đó đổ lên các nước nghèo. Tôi hy vọng rằng thông tin này có thể làm rõ thách thức mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt và sự cần thiết phải hỗ trợ khẩn cấp cho các nước này ứng phó với BĐKH".
Các nước kém phát triển nhất có tỷ lệ tổn thất GDP tính theo dân số lên tới 8,3%, trong đó Đông Nam Á và Nam Phi bị ảnh hưởng đặc biệt - mất lần lượt 14,1% và 11,2% GDP.
Các nước thu nhập thấp và trung bình hứng chịu cùng lúc nhiều tổn thất cả về vốn và GDP, ước tính tổng tổn thất trong 30 năm qua lên mức khoảng 21 nghìn tỷ USD - tương đương 50% tổng GDP trong năm nay của nhóm nước đang phát triển.
Tại hội nghị Liên hiệp quốc về khí hậu COP-27 năm ngoái ở Ai Cập, các quốc gia đồng ý thành lập một quỹ chuyên dụng để giúp các quốc gia dễ bị tổn thương đối phó với mất mát và thiệt hại do thảm họa khí hậu và thời tiết khắc nghiệt. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm tại COP-28 năm nay.
COP-28 khai mạc vào ngày mai 30/11 tại Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) với sự tham gia của khoảng 140 nhà lãnh đạo trên thế giới. Các báo cáo mới của UNDP và Đại học Delaware đưa ra sẽ lần đầu tiên đánh giá những mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận định Paris về BĐKH, đến lúc hành động thay lời nói vì hành tinh xanh.