Giải pháp nào để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023?
Từ nay đến cuối năm, ngành Thuế Quảng Nam phải thu thêm 3.252 tỷ đồng để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao; chưa kể số tiền gia hạn nộp thuế thuế theo Nghị định 12 và 36 của chính phủ là 4.442 tỷ đồng còn nằm tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nếu tính cả hai khoản tiền trên thì ngành Thuế còn phải huy động đến 7.694 tỷ đồng. Đây là thách thức không hề nhỏ, liệu ngành Thuế Quảng Nam có hoàn thành sứ mệnh được không, trong khi khó khăn vẫn nhiều hơn thuận lợi và thời gian chỉ tình bằng ngày.
Áp lực thu ngân sách dồn về cuối năm
Cục Thuế Quảng Nam cho biết, tính lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10/2023, tổng thu ngân sách do đơn vị thực hiện chính thức đã vào ngân sách nhà nước 13.185 tỷ đồng, đạt hơn 63% dự toán HĐND tỉnh giao, chỉ bằng 76% so với cùng kỳ năm 2022, (trong đó, tại cơ quan Cục Thuế thu 11.333 tỷ đồng, đạt 61,7% dự toán, bằng 70% so cùng kỳ; các Chi cục Thuế thu 1.851 tỷ đồng, đạt 73,5% dự toán, bằng 72% so cùng kỳ).
Mặc dù, có nhiều nguồn thu sắc thuế kết quả thu đã vượt dự toán năm, nhưng không thể cứu vãn được sự tút dốc của lĩnh vực thu ngân sách công thương nghiệp ngoài nhà nước. Lĩnh vực này có dự toán thu năm 2023 là 14.329 tỷ đồng, chiếm đến 68,6% tổng dự toán thu, nhưng đến nay mới thu được 6.869 tỷ đồng, đạt 47,8%, chỉ bằng 58% so cùng kỳ năm 2022.
Cùng với, số tiền thuế và tiền thuê đất gia hạn nộp theo Nghị định 12 của Chính phủ đã lên đến 1.158 tỷ đồng, và sẽ nộp vào ngân sách chậm nhất 31/12/2023. Như vậy, theo Cục Thuế tỉnh, nếu cộng cả số thu đã vào ngân sách với số gia hạn nộp thuế còn ở doanh nghiệp, người dân, thì tổng thu ngân sách qua 10 tháng năm 2023 là 17.628 tỷ đồng, đạt 84,4% dự toán HĐND tỉnh giao.
Xét về lý thuyết là vậy, nhưng thực tế không dễ chút nào, vì chỉ trong một thời gian ngắn chưa đầy 2 tháng mà phải huy động cho được 4.442 tỷ đồng tiền thuế gia hạn vào ngân sách, đồng thời phải căng sức thu thêm 3.252 tỷ đồng tiền thuế, phí lệ phí và thu khác nữa, đâu phải chuyện dễ.
Giải pháp nào để cán mốc thu ngân sách?
Mặc dù, Cục Thuế tỉnh đã có các kịch bản, nhưng mấu chốt còn phụ thuộc vào diễn biến kinh tế trong trong bối cảnh những tháng cuối năm, cái khó nhất là phụ thuộc rất lớn vào tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, cho dù theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thì tình hính kinh tế có dấu hiệu tích cực.
Về phía Cục Thuế đã sẵn sàng có các giải pháp, đó là ngay từ lúc này phải vào cuộc, giao cho từng công chức thuế theo dõi doanh nghiệp, người nộp thuế để đôn đốc thu hồi tiền thuế gia hạn đến hạn nộp, tuyệt đối không để nợ trong trường hợp này, nếu để nợ vì lý do chủ quan thì công chức và người lãnh đạo theo đó phải chịu trách nhiệm.
Giải pháp thứ hai: Rà soát, phân tích, phát hiện những nguồn thu còn dư địa, tiềm năng để huy động nộp vào ngân sách, như: xây dựng vãng lai, tài nguyên khoáng sản, kinh doanh bất động sản, thủy điện, hoạt động kinh doanh thượng mại điện tử; giải ngân vốn đầu tư công,…
Để làm được điều này, Cục Thuế rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống, trước hết là sự chỉ đạo, điều hành hiệu quả của UBND tỉnh và UBND các huyện, thì xã, thành phố; sự phối hợp tích cực đầy trách nhiệm của sở, ban, ngành trong công tác thu ngân sách.
Bên cạnh đó, bản thân các cơ quan thuế cần phải chủ động tích cực vào cuộc quyết liệt trong việc khai thác có hiệu quả dữ liêu về người nộp thuế để kịp thời phát hiện các nguồn thu mới; bên cạnh đó công tác chống thất thu, gian lận thuế, gian lận hóa đơn để trục lợi tiền hoàn thuế phải được đưa lên hàng đầu.