Ứng phó thiên tai ở Bắc Trà My: Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời
Là một huyện miền núi thường xuyên xảy ra các loại hình thiên tai phức tạp, Bắc Trà My phải luôn trong tình thế chủ động ứng phó và ưu tiên phương án “4 tại chỗ” để hạn chế rủi ro.
Ứng phó tại chỗ
Với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, các xã, thị trấn của huyện Bắc Trà My đã dần thích ứng với phòng chống thiên tai hiện nay.
Ông Đinh Văn Linh - Chủ tịch UBND xã Trà Giác thông tin, để ứng phó với mưa bão năm nay, xã đã thành lập các đội phản ứng nhanh cấp xã và cấp thôn. Đồng thời, các công ty thi công công trình trên địa bàn cũng được xã gửi văn bản đề nghị sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp cần các loại phương tiện chuyên dụng.
Ông Linh cho biết: “Phương châm “4 tại chỗ” được xã triển khai triệt để, đề phòng trường hợp tắc đường bị cô lập thì có thể ứng phó được. Ví dụ lương thực thực phẩm, xã đã hợp đồng với tiệm tạp hóa để cung ứng khi cấp bách, yêu cầu nhân dân tích trữ gạo, mắm muối trong nhà mỗi khi có dự báo mưa lớn, bão lũ.
Các đội phản ứng nhanh cũng qua vài mùa mưa bão rồi nên có kinh nghiệm ứng phó. Các địa điểm trường học, nhà văn hóa thôn, trụ sở UBND xã đều có thể trở thành địa điểm trú tránh bão an toàn. Khó nhất là khi mưa bão thì sóng điện thoại chập chờn, xã chưa phủ sóng toàn bộ khu vực nên thông tin liên lạc dễ bị đứt đoạn, gây khó khăn cho công tác ứng cứu nếu có sự cố xảy ra”.
Đối với cấp xã, lực lượng chỉ huy sẽ do Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) cấp xã thực hiện hiện, lực lượng gồm ban chỉ huy, đội xung kích, tổ xung kích, nhóm chuyên môn, y tế, thanh niên... theo nguyên tắc “4 tại chỗ” phân chia công tác và hoạt động theo tổ ở từng thôn.
Thành viên tổ xung kích cũng được phân công đảm bảo các nhiệm vụ cần thiết trong quá trình sơ tán, đủ khả năng tối thiểu xử lý tình huống tại chỗ như sơ cứu, di chuyển bệnh nhân, đảm bảo an ninh trật tự và số đông phục vụ hỗ trợ vận chuyển người sơ tán.
Củng cố lực lượng xung kích
Theo ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, trên địa bàn có nhiều loại hình thiên tai xảy ra, sạt lở đất là loại hình phổ biến nhất trong nhiều năm gần đây và gây thiệt hại lớn.
Toàn huyện có khoảng 95 vị trí sạt lở ảnh hưởng đến tính mạng, nhà ở, sản xuất, đi lại của người dân. Sạt lở đất thường xuất hiện kèm hoặc sau các đợt mưa lớn dài ngày. Bên cạnh đó, hàng năm đều xảy ra các trận động đất kích thích cũng gây nên nguy cơ lớn cho tình trạng sạt lở.
Theo khảo sát của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Bắc Trà My, số hộ sinh sống trong điều kiện nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ (nhà tạm, nhà xuống cấp, nhà 1 cứng) là 856 hộ, hơn 8.700 hộ sinh sống trong nhà bán kiên cố, số hộ có nhà kiên cố đảm bảo trước thiên tai khoảng 2.000 hộ. Từ đó có thể thấy, trong trường hợp bão cấp 3, có khoảng 856 hộ phải sơ tán; bão cấp 4 có khoảng 9.500 nhà phải sơ tán, số hộ có nhà đảm bảo an toàn rất thấp.
Công trình tổ dân phố, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, trụ sở hành chính, trường học, cơ quan đặt tại xã, huyện vẫn chưa đảm bảo cho 50% số hộ phải sơ tán, do nhiều trụ sở tổ dân phố, nhà văn hóa thôn... vẫn là công trình bán kiên cố, chưa đảm bảo an toàn tránh trú.
Vì thế, ưu tiên trong công tác sơ tán đảm bảo an toàn trước, trong thiên tai như người già, tàn tật, phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 16 tuổi với số lượng khoảng 13.000 người sẽ được chú trọng hơn.
Lực lượng tham gia ứng phó khi có thiên tai xảy ra trên địa bàn huyện có 117 người, gồm chiến sĩ quân đội, công an, dân quân tự vệ, thanh niên là cán bộ, công chức trong các cơ quan đơn vị hành chính, sự nghiệp cấp huyện.
Lực lượng cấp xã đảm bảo gồm ban chỉ huy, đội xung kích, dân quân, dự bị động viên, thanh niên, y tế xã, có khoảng 1.400 người; bình quân mỗi xã 120 người tham gia các lực lượng ứng cứu và phòng chống thiên tai.
Ban chỉ huy cấp xã, cấp huyện được trang bị những vật dụng phương tiện ứng phó sự cố thiên tai như xẻng, ủng, áo phao, đèn pin, máy phát điện... và tham gia diễn tập, tập huấn kỹ năng tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn.
Những thiết bị, máy móc hỗ trợ như thiết bị tìm kiếm nạn nhân chưa trang bị được thì huyện sẽ đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp đóng chân, thi công công trình trên địa bàn huyện sẵn sàng cho trưng dụng, hỗ trợ.