Cứu nạn ngư dân mất tích trên biển: Chạy đua với thời gian
“Thủ tướng đã rất quyết liệt chỉ đạo và yêu cầu khẩn trương triển khai mọi biện pháp để cứu được ngư dân. Thời gian vàng không còn nhiều, phải gấp rút tiếp cận và nhanh chóng triển khai mọi công tác ứng cứu sớm nhất có thể” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh tại buổi làm việc ở Sở chỉ huy tiền phương cứu nạn vụ hai tàu cá của ngư dân Núi Thành bị chìm tại vùng biển Trường Sa.
Chạy đua cứu hộ
Các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, Hải quân Vùng 4 và lực lượng cứu nạn đang nỗ lực tìm cách tiếp cận hiện trường hai tàu cá QNa-90129TS và QNa-90927 của ngư dân Núi Thành bị chìm trên vùng biển Trường Sa. Sở chỉ huy tiền phương được lập tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Kỳ Hà vào trưa qua 17/10.
Đại tá Trần Tiến Hiền - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thông tin, Quảng Nam đã đề nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo Vùng 4 Hải quân, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Khu vực 4 và cảnh sát biển huy động lực lượng hỗ trợ. Có 7 tàu cá của ngư dân cùng tàu CSB 8002, 2 tàu hải quân đang tham gia công tác ứng cứu các ngư dân trên hai tàu cá bị lốc xoáy đánh chìm.
Trước đó, khoảng 19h30 ngày 16/10, tàu cá QNa-90129TS do ông Lương Văn Viên (SN 1976, trú Tam Giang, Núi Thành) làm thuyền trưởng, hành nghề câu mực, trên tàu có 54 lao động đang hoạt động tại tọa độ 13°37’N - 114°39’E (cách mũi An Hòa, Quảng Nam khoảng 370 hải lý về hướng đông nam, cách đảo Song Tử Tây, Trường Sa khoảng 132 hải lý về hướng bắc đông bắc) thì bị lốc xoáy đánh chìm.
Tàu cá QNa-90039TS do ông Lương Văn Cam (SN 1972, trú tại Tam Giang, Núi Thành) làm thuyền trưởng đang hoạt động gần khu vực tàu chìm cố gắng ứng cứu, vớt được 40 người. Các tàu cá gần đó tiếp cận tiếp tục tổ chức phối hợp tìm kiếm, trục vớt thêm được 2 người; nhưng sau đó 2 ngư dân này đã tử vong.
Ngoài ra, lúc 1h00 ngày 17/10, tàu cá QNa-90927TS do ông Trần Công Trường (SN 1981, trú Tam Giang, Núi Thành) làm thuyền trưởng hành nghề câu mực, trên tàu có 39 lao động đang hoạt động tại tọa độ 13°32’N - 113°27’E (cách bờ biển Quy Nhơn khoảng 240 hải lý về hướng đông đông nam, cách đảo Song Tử Tây khoảng 135 hải lý về hướng bắc tây bắc) cũng bị sóng đánh chìm. 39 ngư dân được tàu cá QNa-91782TS do ông Trần Văn Kỵ (SN 1982, trú tại Tam Giang, Núi Thành) làm thuyền trưởng hành nghề gần khu vực tàu chìm đã vớt được 38 thuyền viên, hiện tại vẫn còn một ngư dân đang mất tích.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho hay, công tác cứu hộ đang được triển khai rất khẩn trương.“Mọi nỗ lực đang được tập trung để tìm kiếm 13 ngư dân còn đang mất tích. Chúng tôi đã liên lạc, đề nghị nhiều lực lượng cùng phối hợp, tính toán các khả năng có thể để cứu được nhiều ngư dân nhất. Thông tin từ địa phương cho hay các tàu cá của ngư dân gần đó cũng đã nhận được thông tin và đang tìm mọi cách hỗ trợ cho việc ứng cứu. Tỉnh Quảng Nam đang làm hết sức có thể” - ông Hồ Quang Bửu nói.
Tận dụng “thời gian vàng”
Trực tiếp vào hiện trường chỉ đạo công tác triển khai ứng cứu ngư dân, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, qua báo cáo của địa phương, các lực lượng ban đầu đã có sự phối hợp tốt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác ứng cứu ngư dân gặp nạn trên biển.
“Hiện vẫn còn nhiều ngư dân đang mất tích, đề nghị các lực lượng cố gắng tiếp cận vị trí cứu nạn nhanh nhất. Biên phòng, cảnh sát biển và lực lượng hải quân cần phối hợp tốt để tính toán khoanh vùng, đưa ra phương án tiếp cận, triển khai ứng cứu nhanh nhất.
Thời gian vàng không còn nhiều, chỉ cho phép mọi nỗ lực kéo dài đến khoảng 14 giờ chiều 18/10, phải bằng mọi cách tiếp cận nhanh nhất và cứu được nhiều ngư dân nhất” - ông Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo.
Khẳng định vụ việc được Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các đơn vị khẩn trương liên lạc với tàu cá ngư dân đang hoạt động gần khu vực phối hợp với các tàu cứu hộ của cơ quan chức năng tiếp cận hỗ trợ y tế, lương thực thực phẩm, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người đối với các ngư dân đã được cứu. UBND tỉnh quan tâm động viên, hỗ trợ các gia đình ngư dân gặp nạn, có giải pháp đón ngư dân về bờ an toàn, đúng thủ tục.
“Ở góc độ Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, chúng tôi sẽ tích cực hỗ trợ mọi điều kiện cho công tác ứng cứu ngư dân gặp nạn. Trước hết phải huy động các tàu ngư dân hoạt động gần đó tham gia. Phải cố gắng 10 giờ đêm nay tiếp cận và bắt đầu phối hợp quét pha tìm kiếm ngay lúc đến được khu vực ngư dân gặp nạn” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Động viên, giúp đỡ gia đình ngư dân
Trong cơn mưa vẫn nặng hạt chiều ngày 17/10, chúng tôi đến thôn Đông An, xã Tam Giang (Núi Thành). Trong căn nhà chật ních hàng xóm đến thăm và động viên, an ủi, chị Phạm Thị Thuận (vợ anh Lương Văn Viên, chủ tàu câu mực khơi QNa-90129TS bị chìm tối 16/10) nói trong nước mắt: “Khi nghe tin tàu của chồng cùng bạn biển bị chìm ngoài khơi, tôi như người vô hồn, không biết ra sao, chỉ cầu mong cho tai qua nạn khỏi”.
Ông Phạm Văn Châu - Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết, địa phương đang tích cực đề nghị các cấp, ngành hỗ trợ trong công tác cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân trên biển; đồng thời địa phương cố gắng động viên, giúp đỡ ngư dân vượt qua nỗi đau, mất mát để ổn định cuộc sống.
Ngay sau khi được tin 2 tàu cá bị nạn, lãnh đạo UBND huyện Núi Thành đã đến động viên, chia sẻ với người thân của 2 chủ tàu (ông Lương Văn Viên và ông Trần Công Trường, thôn Đông An) và một số gia đình thuyền viên. UBND huyện Núi Thành cũng thông tin đến gia đình các ngư dân về tình hình cứu nạn 2 tàu cá. Đồng thời đề nghị các cơ quan hữu quan hỗ trợ tích cực để tìm kiếm ngư dân mất tích, kịp thời cấp cứu các ngư dân bị thương...(VĂN PHIN)