Phú Ninh: Triển khai công tác ứng phó mưa bão theo phương châm "bốn tại chỗ"
(QNO) - Trước tình hình ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã mạnh lên thành bão kèm theo mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất diễn ra trên địa bàn, chiều ngày 17/10, UBND huyện Phú Ninh đã chỉ đạo các ban ngành, địa phương chủ động ứng phó.
Những ngày qua, trên địa bàn huyện Phú Ninh có mưa to, kéo dài gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp như Tam An, Tam Đàn và một số địa phương khác. Mực nước trên các sông, suối dâng cao, gây ách tắc giao thông, xói lở một số tuyến đường trên địa bàn huyện làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của người dân.
Trước tình hình ATNĐ mạnh lên thành bão kèm theo lượng mưa lớn, kéo dài, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh Huỳnh Xuân Chính yêu cầu các ban ngành của huyện và địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến của bão, mưa lớn, cảnh báo lũ, sạt lở đất qua các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn...
Đồng thời, yêu cầu các đơn triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”. Chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong Phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro đã được huyện ban hành trước đó.
Đề nghị các địa phương tiếp tục sà soát các khu vực không đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt một số xã ở vùng trũng thấp có nguy cơ cao bị ngập sâu, chia cắt như: Tam An, Tam Đàn, Tam Thành và một số xã có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất như: Tam Lãnh, Tam Lộc, Tam Dân, Tam Đại...
Các địa phương phải bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, nơi dễ sạt lở đất, trên các sông, suối, hồ chứa nước; kiên quyết di dời, sơ tán người dân, phương tiện, tài sản tại những nơi nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng của ngập sâu, sạt lở, lũ quét.
Đối với các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, khu vực đồi núi, các đập thủy lợi, hồ chứa nước, chủ các phương tiện vận tải thủy, các đơn vị khai thác khoáng sản có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư tại công trình; trường hợp không đảm bảo an toàn phải tổ chức di dời công nhân, phương tiện thi công đến nơi an toàn.
UBND các xã, thị trấn ở vùng có sạt lở, tổ chức khắc phục nhanh các điểm sạt lở trên các tuyến giao thông để đảm bảo việc lưu thông, đi lại của người dân.