Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp
Ngành bảo hiểm xã hội đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Mục tiêu này đã được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xác định cần tập trung thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, BHXH là một trong số đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư ngay khi được đưa vào vận hành chính thức.
Trong quá trình triển khai, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ nhằm xây dựng, làm giàu CSDL quốc gia về bảo hiểm. BHXH đang quản lý 91,74 triệu người tham gia trong toàn quốc, trong đó đã xác thực và đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư đạt tỷ lệ 94%.
Ngành BHXH triển khai hai nhóm thủ tục hành chính liên thông (đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng); dịch vụ công trực tuyến giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục.
Tính đến nay, toàn bộ cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc đã triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip, với gần 50 triệu lượt tra cứu thông tin BHYT qua căn cước công dân phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.
BHXH Việt Nam đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo Quyết định số 422 ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ lên Cổng dịch vụ công quốc gia, gồm các dịch vụ công đăng ký tham gia đóng BHXH tự nguyện; đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT; giải quyết hưởng BHXH một lần.
Các dịch vụ công trên đều thuộc nhóm áp dụng thí điểm xác thực chữ ký số được tích hợp trong ứng dụng trên thiết bị di động để phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Từ đó đơn giản hóa thành phần hồ sơ, cắt giảm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH.
Các lĩnh vực hoạt động của BHXH đều được số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin, với 30 hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin quản lý các quy trình nghiệp vụ, hơn 20 nghìn tài khoản trong ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ.
Hệ thống thông tin giám định BHYT của ngành BHXH đang kết nối với gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc. Hằng năm, hệ thống thông tin giám định BHYT cùng hệ thống giao dịch BHXH điện tử đã tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định: “Với quan điểm xuyên suốt lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ, tất cả kết quả, nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam đều nhằm mang tới những lợi ích tối ưu cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Công tác chuyển đổi số của ngành đã được thực hiện mạnh mẽ, toàn diện, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức của người đứng đầu đến từng cán bộ; thấy được tầm quan trọng của công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số với hoạt động của ngành.
Theo đó, các đơn vị trong toàn ngành đã chủ động, quyết liệt thực hiện chuyển đổi số, chuyển từ phương thức quản lý thủ công sang hiện đại, tác phong làm việc chuyển từ hành chính sang phục vụ nhằm tăng sự hài lòng, phục vụ người tham gia BHXH, BHYT ngày càng tốt hơn”.