Việt Nam thu hút ngành sản xuất chip

XUÂN LAN 10/10/2023 09:16

Hiện nay, thiết kế vi mạch - ngành chuyên nghiên cứu, phát triển, chế tạo các chip điện tử trở nên “sốt” với việc nhiều tập đoàn chip lớn của Mỹ đang đầu tư mạnh mẽ tại Việt Nam.

Kỹ sư Bảo Anh và cộng sự Synopsys Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng làm chủ thiết kế Muldie chip 3nm. Ảnh: Xuân Lan
Kỹ sư Bảo Anh và cộng sự Synopsys Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng làm chủ thiết kế Muldie chip 3nm. Ảnh: Xuân Lan

Nỗ lực vươn xa

Sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, hàng loạt “đại gia” Mỹ đã công bố kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Tập đoàn chip Marvell đã có kế hoạch mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam trong năm 2024. Marvell vừa thành lập một trung tâm thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới tại TP.Hồ Chí Minh vào tháng 5 vừa qua.

Trong buổi lễ thành lập, TS.Lợi Nguyễn - Phó Chủ tịch cao cấp về mảng kết nối quang và đồng của Marvell đã có bài chia sẻ về dự án. TS.Lợi Nguyễn là người Mỹ gốc Việt, sinh năm 1960 tại TP.Hồ Chí Minh. Sau khi Inphi Corporation - công ty do ông đồng sáng lập được Marvell mua lại với giá 10 tỷ USD vào năm 2021, ông Lợi đã trở thành lãnh đạo cao cấp về mảng quang học, kết nối tốc độ cao và PHY của Marvell. Ông chính là người bảo trợ cho các hoạt động của Marvell tại Việt Nam, đặc biệt là Trung tâm thiết kế vi mạch tại TP.Hồ Chí Minh.

Trước đó, Intel trở thành công ty Mỹ đầu tiên mở nhà máy và sản xuất chip tại Việt Nam vào năm 2006 với mức đầu tư ban đầu 1 tỷ USD. Đây cũng là cơ sở kiểm định lớn nhất của Intel trên toàn cầu. Năm 2021, Intel thông báo sẽ tăng giá trị đầu tư tại Việt Nam lên mức 1,5 tỷ USD để sản xuất sản phẩm 5G và lõi vi xử lý, vốn sử dụng công nghệ phức tạp hơn.

Trong các thiết bị điện tử thông minh, những con chip giống như bộ não và dù có kích thước rất nhỏ, chúng thậm chí có thể chiếm tới 30% giá trị của thiết bị đó. Để sản xuất được 1 con chip hoàn thiện, phải trải qua 3 công đoạn chính: thiết kế, chế tạo, kiểm tra và đóng gói. Trong đó, công đoạn thiết kế chiếm khoảng 50 - 60% giá thành sản phẩm, chế tạo chiếm 25 - 30%, kiểm tra và đóng gói chiếm 15 - 20%.

Vài năm trước, gần như tất cả chip đều phải nhập khẩu. Tuy nhiên, từ nay sẽ có hàng triệu, hàng tỷ con chip được sản xuất tại Việt Nam. Hiện Việt Nam đã chiếm hơn 10% số lượng chip nhập khẩu vào Mỹ và xét về doanh số, Việt Nam đứng thứ 3 châu Á (chỉ sau Malaysia, Đài Loan) trong xuất khẩu chip sang thị trường nghìn tỷ đô này.

“Tình trạng thiếu kỹ sư bán dẫn, kỹ thuật viên, nhà khoa học máy tính trong ngành bán dẫn Mỹ dự báo lên tới 67.000 nhân công vào năm 2030. Trong bối cảnh nhu cầu về chip càng lớn, Việt Nam có thể đón đầu cơ hội bằng nguồn nhân lực dồi dào của mình” - TS.Lợi Nguyễn chia sẻ.

Tập đoàn Amkor - “đại gia” chip lớn của Mỹ cũng sẽ đầu tư nhà máy 1,6 tỷ USD tại Việt Nam, dự kiến sẽ khởi động trong tháng 10 năm nay. Đặc biệt, Synopsys - nhà sản xuất phần mềm thiết kế chip hàng đầu của Mỹ cũng đang đầu tư tại Việt Nam. Synopsys đã chuyển giao phần mềm cũng như đào tạo hàng trăm kỹ sư Việt.

Điển hình là thiết kế chip tiên tiến nhất thế giới hiện nay - IC Multidie chip 3nm do kỹ sư Nguyễn Bảo Anh và các cộng sự của Synopsys Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng làm chủ công nghệ, từ khâu thiết kế cho tới khâu cuối cùng, để cung cấp cho Tập đoàn Intel.

Bên cạnh đó, Tập đoàn FPT cũng đã có 70 triệu con chip xuất hiện trên các thiết bị thông minh toàn cầu. “Đến nay, 70 triệu con chip mà FPT phát triển 100% đã được đặt hàng từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Khi Việt Nam trở thành một trung tâm chip của thế giới thì công việc của chúng ta là bạt ngàn. Điều này là hy vọng rất lớn cho đất nước” - ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT khẳng định.

Phát triển nhân lực chất lượng cao

Để nắm bắt được cơ hội trong lĩnh vực bán dẫn, yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là nguồn nhân lực chất lượng cao. Thiết kế chip được xem là một trong những ngành hẹp với hàm lượng kiến thức và kỹ năng, kỹ thuật đòi hỏi ở mức chuyên sâu. Đây cũng là lĩnh vực có sự đổi mới và tiến bộ liên tục.

Các công nghệ mới, tiên tiến hơn đòi hỏi kỹ sư phải có khả năng tự học, tự nghiên cứu và tự đúc kết kinh nghiệm. Họ cũng phải chịu được áp lực cao, làm việc lâu dài với máy móc, kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm hiệu quả, có trình độ ngoại ngữ, nhất là đức tính kiên trì, tỉ mỉ.

Khảo sát của Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP.Hồ Chí Minh (HSIA) cho thấy, kỹ sư thiết kế chip mới ra trường được chào đón, có việc làm ngay, lương khoảng 15 triệu đồng/tháng.

Kỹ sư có từ 1 - 3 năm kinh nghiệm, thu nhập từ 20 - 30 triệu/tháng, tương đương ngành công nghệ thông tin (IT). Nếu theo nghề 5 - 10 năm, lương kỹ sư ngành này cao gấp 1,5 lần IT, có thể lên tới 2.500 - 3.000 USD/tháng, còn hơn 10 năm kinh nghiệm thì thu nhập không dưới 1,5 tỷ đồng/năm…

Theo Bộ TT-TT, ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có thiết kế chip cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng dưới 20%. Hiện cả nước có khoảng 5.500 kỹ sư thiết kế chip, trong đó tập trung cao nhất tại TP.Hồ Chí Minh (85%), Hà Nội (8%), Đà Nẵng (7%). Đến năm 2030, Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn TP.Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đào tạo trên 50.000 kỹ sư thiết kế chip bán dẫn.

Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước ở lĩnh vực công nghệ cao đã tiếp cận với sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh), Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng… ngay từ năm thứ hai, thứ ba thông qua những suất thực tập, cấp học bổng, công việc bán thời gian, vì đợi đến khi sinh viên tốt nghiệp mới tuyển dụng thì quá trễ.

XUÂN LAN