Phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em: Khắc phục rào cản...
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh triển khai nhiều hoạt động thuộc khuôn khổ dự án 8 về “Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.
Nhức nhối tình trạng xâm hại tình dục
Báo cáo đề dẫn tại tọa đàm “Phòng, chống xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em” được tổ chức tại huyện Nam Giang mới đây, bà Nguyễn Thị Liên - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn nhiều phức tạp. Trong đó, nổi lên một số vụ việc bạo lực, XHTD đối với phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái.
Bà Nguyễn Thị Liên - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đề nghị các cấp hội phụ nữ cần chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền phòng chống XHTD trẻ em. Duy trì và nhân rộng các mô hình phòng ngừa có hiệu quả về xâm hại phụ nữ, trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình; vận hành số điện thoại đường dây nóng 1800.1768 dành riêng cho việc tư vấn và hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo hành...
Huyện miền núi Nam Giang có hơn 29.000 người, trong đó trẻ em dưới 16 tuổi là 8.540 trẻ (chiếm 29.3% dân số). Trong năm học 2022 - 2023, huyện Nam Giang không ghi nhận trẻ em bị XHTD, tuy nhiên tình trạng xâm hại trẻ em vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp; công tác bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng xâm hại vẫn gặp nhiều khó khăn. Tại địa phương này, nhiều người vẫn chưa quên câu chuyện xảy ra tại Trường Tiểu học Zơ Nông (thị trấn Thạnh Mỹ).
Theo đó tháng 8/2017, Công an tỉnh đã khởi tố và bắt tạm giam N.Q.C. (SN 1969) - giáo viên Trường Tiểu học Zơ Nông về tội dâm ô trẻ em.
Theo kết quả điều tra, từ khoảng đầu năm học 2015 đến tháng 4/2016, ông C. đã nhiều lần gọi các em vào phòng làm việc trong thời gian nghỉ giải lao giữa giờ để sàm sỡ. Kết quả trưng cầu giám định cho thấy, các nạn nhân có bị XHTD và thể hiện sự hoang mang, lo sợ…
Theo thống kê, ở nước ta, ước tính có khoảng 50% phụ nữ từng phải chịu ít nhất một trong ba dạng bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần.
Tại Quảng Nam, theo thông tin của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan chức năng phát hiện, khởi tố 625 vụ/1.208 bị can; trong đó đã khởi tố 13 vụ/15 bị can tội phạm XHTD, chủ yếu tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Gần đây nhất (tháng 4/2023), TAND tỉnh đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo L.Q.T.D. (40 tuổi, ở thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang) 13 năm tù về tội “hiếp dân người dưới 16 tuổi”.
Theo cáo trạng, đầu năm 2020, D. có quan hệ tình cảm với chị N.T.L (43 tuổi, ở huyện Hiệp Đức). Sau đó, D. về chung sống như vợ chồng với chị L. cùng N.H.Y (14 tuổi, con gái riêng của chị L.) tại nhà chị L. ở Hiệp Đức. Ngày 26/4/2022, chị L. bị bệnh nên đến một bệnh viện ở TP.Tam Kỳ điều trị dài ngày.
Lợi dụng việc chị L. vắng nhà, khuya 3/5/2022, D. vào phòng ngủ của Y. thực hiện hành vi sàm sỡ, sờ soạng cơ thể Y. Quá hoảng sợ, Y. bỏ chạy sang nhà bạn xin ngủ nhờ. Sau khi nghe Y. gọi điện kể lại việc bị D. XHTD, chị L. tức tốc về nhà đưa Y. đến Công an huyện Hiệp Đức trình báo sự việc.
Trách nhiệm chung
Bà Nguyễn Thị Liên cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng XHTD gia tăng. Trong đó có mặt trái của công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội dẫn đến thiếu niên có cơ hội làm quen qua mạng, sau đó nảy sinh tình cảm yêu đương nam nữ sớm, dẫn đến tự nguyện quan hệ tình dục khi còn quá nhỏ. Việc sử dụng các chất kích thích như rượu bia, ma túy… cũng là một nguyên nhân làm gia tăng tình trạng bạo lực, XHTD đối với phụ nữ và trẻ em.
Theo Công an huyện Nam Giang, công tác đấu tranh, phòng chống XHTD gặp không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, nhiều trường hợp người bị hại và gia đình của người bị hại thường có tâm lý e ngại, mặc cảm, tự ti, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự, cuộc sống gia đình nên không dám lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân họ hoặc người thân khi bị xâm hại.
Bà Trần Thị Thắng - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Giang cho rằng, bảo vệ trẻ em khỏi XHTD là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò trọng tâm. Cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, chia sẻ, tâm sự, nói chuyện với trẻ hằng ngày; dạy cho trẻ những kỹ năng để tự bảo vệ mình và những kiến thức về giới tính, biết cách nhận biết những tình huống không an toàn...
Đại diện Công an huyện Nam Giang cho rằng, cần quan tâm đúng mức đến việc giáo dục giới tính, nhân cách, kỹ năng sống, nhất là các kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em.
Cần đưa vào khung chương trình học của nhà trường, từ cấp tiểu học để học sinh được trang bị vốn kiến thức cơ bản tự bảo vệ mình; đồng thời có định hướng, kiến nghị phân công, tuyển dụng cán bộ phụ trách để tư vấn tâm lý cho các em khi có nhu cầu…