Bảo đảm an toàn thực phẩm trong mùa bão lũ
Chủ động đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt tại các địa phương miền núi là điều quan trọng khi Quảng Nam đang chuẩn bị bước vào mùa mưa bão.
Cảnh giác trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cảnh báo, bão lụt và các thay đổi bất thường về thời tiết là những điều kiện thuận lợi cho thực phẩm dễ bị nhiễm vi sinh vật. Khi bão lũ xảy ra, nguồn cung cấp thực phẩm tươi, sạch, an toàn bị ách tắc do phương tiện vận chuyển bị hạn chế.
Thêm vào đó, lương thực, thực phẩm có thể bị ảnh hưởng khi gặp thời tiết mưa ẩm, dẫn đến việc ôi, thiu, mốc, hỏng và sinh ra độc tố, điều này có thể gây ra các trường hợp ngộ độc thực phẩm.
Ngoài ra, sau bão lụt, thường xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm như Vibrio cholerae gây ra bệnh tả, Salmonella gây ra thương hàn, Shigella gây ra lỵ trực trùng, Bacillus anthracis gây ra bệnh than, cũng như các bệnh tiêu chảy do vi rút (rotavirus, enterovirus...), viêm gan A, E.
Chưa kể, nguồn nước lúc này có thể bị ô nhiễm nặng dẫn đến nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và nước uống được sử dụng dùng để chế biến thức ăn.
Đặc biệt, sau mưa lũ cũng là thời điểm nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm cao do cách bảo quản thực phẩm cũng như cách lựa chọn, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Các chuyên gia y tế cũng lưu ý rằng, sau mưa lũ, tại các địa phương miền núi thường xảy ra các trường hợp ngộ độc do tiêu thụ nấm hoặc các thực phẩm địa phương, mang tính chất bản địa, vùng miền.
Địa hình miền núi Quảng Nam sẽ phải chịu rất nhiều ảnh hưởng của thiên tai, do đó, đảm bảo an toàn về lương thực là ưu tiên hàng đầu.
Cùng với câu chuyện về lương thực dự trữ, công tác đảm bảo ATTP, ngăn ngừa bệnh dịch sau thiên tai vô cùng quan trọng. Do đó, các huyện miền núi phải triển khai tuyên truyền ngay trước khi mùa mưa bão diễn ra.
Đại diện Trung tâm Y tế huyện Đông Giang cho biết, địa phương này đã tổ chức các đợt tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách bảo quản thực phẩm cũng như lựa chọn thực phẩm an toàn khi mùa mưa bão đang gần kề.
Ngoài việc tăng cường truyền thông trước, trong và sau bão lũ về việc sử dụng thực phẩm an toàn, vệ sinh môi trường..., các địa phương miền núi cũng sẵn sàng các hóa chất sinh phẩm phục vụ công tác tẩy rửa, diệt khuẩn và thực hiện hướng dẫn người dân các biện pháp giữ vệ sinh cá nhân.
Tăng cường tuyên truyền
Bà Lê Thị Hồng Cẩm - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Quảng Nam cho biết, để chủ động bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, Sở Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch về công tác bảo đảm ATTP trong các điều kiện thời tiết như mưa bão, lụt trên địa bàn quản lý. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Theo đó, các địa phương được yêu cầu chú trọng vào các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn nhằm phát hiện sớm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định ATTP cũng như công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
“Ngoài ra, tăng cường thông tin, tuyên truyền kiến thức về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm để nâng cao trách nhiệm về đảm bảo ATTP đối với mỗi người.
Ở các địa phương miền núi, thực hiện tuyên truyền mạnh mẽ để người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động thực vật độc như nấm độc, côn trùng lạ, độc, cá nóc, so biển, ốc lạ, cây, quả lạ; chú ý bảo đảm an toàn trong chế biến và sử dụng thịt cóc; chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương” - bà Lê Thị Hồng Cẩm nói.
Do đó, các kiến thức về ATTP được đặt lên hàng đầu để đảm bảo người dân có kỹ năng trong việc lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
Chi cục ATVSTP tỉnh cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên thực hiện ăn chín, uống chín, nước sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm phải khử trùng, đặc biệt là trong thời gian bão, lụt xảy ra.
Ngoài ra, người tiêu dùng cần phải biết lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn, thực hiện tốt “10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn”, “5 chìa khóa vàng để có thực phẩm an toàn”; từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn. Không chấp nhận những sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.
Bên cạnh đó, đối với các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão lụt cao, Chi cục ATVSTP tỉnh đề nghị chính quyền địa phương cần theo dõi các dự báo, diễn biến tình hình bão, lụt trên địa bàn và chủ động kế hoạch dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, thuốc men, các hóa chất sát khuẩn của ngành y tế…
“10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn”
1. Chọn thực phẩm tươi an toàn;
2. Nấu chín kỹ trước khi ăn và ăn ngay sau khi nấu;
3. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín cũng như phải nấu lại thức ăn thật kỹ;
4. Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn;
5. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác;
6. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn;
7. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác;
8. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn;
9. Đun sôi nước trước khi làm đá lạnh để uống;
10. Cẩn thận với nguồn nước dùng nấu ăn cho trẻ.