Ngăn sạt lở bờ sông

VĨNH LỘC 01/10/2023 07:46

Là những địa phương có địa hình tương đối phức tạp, thường xuyên bị sạt lở, trước mùa mưa bão năm nay các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn khẩn trương thi công khắc phục các điểm sạt lở, đồng thời xây dựng phương án phòng chống thiên tai sát thực tế tại những vùng có nguy cơ cao.

Một số đoạn bờ sông ở Điện Bàn bị sạt lở nặng nhưng chưa thể khắc phục được do thiếu kinh phí. Ảnh: V.L
Một số đoạn bờ sông ở Điện Bàn bị sạt lở nặng nhưng chưa thể khắc phục được do thiếu kinh phí. Ảnh: V.L

Khẩn trương kè chống sạt lở

Hơn nửa tháng nay, hàng chục công nhân cùng máy móc thiết bị khẩn trương thi công kè chống sạt lở gần 300m bờ sông Quảng Huế (đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, Đại Lộc). Những rọ sắt chứa đá tảng bên trong đã được xe múc sắp đặt theo lớp chồng lên nhau tạo thành bức tường thành vững chắc ngăn sóng nước đánh vào bờ.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án và trật tự xây dựng huyện Đại Lộc, đây là công trình chống sạt lở khẩn cấp, kinh phí thực hiện hơn 3 tỷ đồng, thời gian thi công 45 ngày nhằm gia cố cứu vãn bờ sông, ngăn sạt lở.

“So với yêu cầu thì nguồn kinh phí trên cũng chỉ thực hiện các giải pháp tạm thời để dân yên tâm, ổn định cuộc sống, về lâu dài cần có giải pháp đồng bộ cùng nguồn kinh phí xây dựng lớn hơn” - vị đại diện này nói.

Bà Ngô Thị Anh (ở thôn Phú Nghĩa, nhà cách bờ sông hơn 10m) cho biết, những năm trước khu vực này bị sạt lở nhưng không nhiều, từ đợt mưa lũ năm ngoái thì tình trạng sạt lở diễn ra rất nhanh, ước tính hơn 2ha đất đã bị nước cuốn trôi tạo thành cái vịnh sâu gần 10m, đe dọa 2 trụ điện đường dây trung thế đến các xã vùng B của huyện và vùng lân cận.

Việc thi công kè chắn sạt lở bờ sông Quảng Huế khiến người dân địa phương phân khởi. Hằng ngày có nhiều người ra bờ sông ngắm nhìn, mong cho công trình sớm hoàn thành.

Tại thị xã Điện Bàn, dự kiến năm 2023 sẽ triển khai 4 dự án chống xói lở ở những vị trí sạt lở nghiêm trọng. Mới đây, dự án chống sạt lở bờ sông Vĩnh Điện (đoạn qua khối phố Ngân Câu, phường Điện Ngọc) đã hoàn thành với hơn 220m bờ sông được kè chắn bằng rọ đá, tổng kinh phí khoảng 4,6 tỷ đồng, tạm thời khắc phục tình trạng sạt lở dai dẳng ở khu vực này.

Tiếp đến giữa tháng 9, một dự án chống sạt lở khác cũng được thi công trên sông Bình Phước, đoạn gần cầu Bàu Nít (xã Điện Hòa) với kinh phí 2,2 tỷ đồng, dự kiến cuối tháng 10 sẽ hoàn thành. Ngoài ra, hai dự án khác trên sông Vĩnh Điện (phường Vĩnh Điện) và sông Thanh Quýt (thuộc thôn Thanh Quýt 2, phường Điện Thắng Trung) cũng sắp được triển khai thời gian tới, dự trù kinh phí mỗi công trình khoảng 5 tỷ đồng.

Vẫn thấp thỏm nỗi lo

Theo thống kê sơ bộ của Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, trên địa bàn có gần 30 điểm sạt lở, trong đó khoảng 10 điểm sạt lở nghiêm trọng, chủ yếu ven sông Vu Gia, Thu Bồn (thuộc các xã Đại Nghĩa, Đại Thạnh, Đại Thắng, Đại Cường Đại Hồng…).

Dù vậy, theo ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, ngoài điểm sạt lở bờ sông Quảng Huế đang thi công, hầu hết các điểm còn lại chưa thể triển khai do thiếu nguồn kinh phí. Để ứng phó trong mùa mưa bão năm nay, tại những khu vực có nguy cơ sạt lở cao, ngoài bố trí lực lượng, phương tiện ứng cứu, huyện Đại Lộc cũng xây dựng phương án di dời dân đến từng gia đình, đối tượng cụ thể trong vùng sạt lở.  

Thời gian qua, huyện Duy Xuyên cũng triển khai một số dự án kè chống khẩn cấp ở những điểm sạt lở tại Đông Bình (Duy Vinh), Hà Nhuận (Duy Phước), Duy Trung… Tuy vậy, vẫn còn khá nhiều điểm sạt lở nặng như Phú Đa (xã Duy Thu), tổ 5, tổ 6 Thu Bồn Tây (xã Duy Tân), Lệ Bắc (Duy Châu), An Lạc (Duy Thành) hay sạt lở suối, núi tại Duy Sơn, sạt lở biển tại thôn Trung Phường (Duy Hải) vẫn chưa thể triển khai kè chống do thiếu kinh phí.

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho rằng chi phí kè chống sạt lở rất cao, trung bình khoảng 35 tỷ đồng/km. Đến thời điểm hiện tại, ngoài triển khai các dự án thi công kè tại 4 điểm xói lở nặng, Điện Bàn cũng xây dựng xong phương án di dời dân những khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở.

Đến tháng 9/2023 Điện Bàn xuất hiện gần 20 điểm sạt lở lớn nhỏ với chiều dài khoảng 20km, chủ yếu ven các sông Thu Bồn, Vĩnh Điện, Bình Phước, Thanh Quýt, Tứ Câu… Trong đó, hai điểm sạt lở nặng nhất thuộc khu vực thôn Nhị Dinh 3 (xã Điện Phước) và thôn Lạc Thành Đông (xã Điện Hồng), đây là những điểm sạt lở dai dẳng nhưng chưa thể khắc phục.

Ông Nguyễn Hữu Tuân - Chủ tịch UBND xã Điện Hồng nhìn nhận, việc chậm triển khai dự án chống sạt lở đoạn bờ sông qua thôn Lạc Thành Đông không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất canh tác của người dân mà còn đe dọa hơn 2.000 ngôi mộ cách đó không xa.

“Xã đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp ngành của tỉnh nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì, trong khi tình hình sạt lở mỗi năm một nghiêm trọng hơn” - ông Tuân nói.

Theo ông Nguyễn Đức Chơi, Điện Bàn cũng đã nhiều lần đề xuất xin kinh phí từ tỉnh và trung ương bởi nguồn đầu tư thi công kè chống sạt lở quá lớn nhưng đến nay các cấp ngành liên quan vẫn chưa thể bố trí vốn.

“Với chiều dài sạt lở tại thôn Lạc Thành Đông khoảng 1,5km và thôn Nhị Dinh 3 khoảng 2km thì số tiền thi công gần cả 100 tỷ đồng nên trong ngắn hạn khó thể giải quyết được, phải tiếp tục chờ thôi” - ông Chơi nói.

VĨNH LỘC