Phòng chống thiên tai trước mùa mưa lũ: Hội An hạn chế nguy cơ thiệt hại
Thành phố Hội An đang triển khai nhiều phương án ứng phó với thiên tai, trong đó tập trung gia cố kè chống xâm thực bờ biển và đảm bảo an toàn tại khu vực phố cổ, đặc biệt là đối với công trình tu bổ, tôn tạo di tích đang triển khai.
Gia cố “lá chắn” bờ biển
Những năm gần đây, hơn 6km bờ biển Hội An bị xâm thực mạnh bất thường; nhiều công trình ven tuyến giao thông biển (đường Âu Cơ) bị thiệt hại nặng nề. Hiện tượng sạt lở vẫn tiếp tục lan dần về phía tây bắc (phường Cẩm An).
Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, chỉ cần có gió cấp 5, cấp 6 cũng có thể tạo ra các rãnh sạt lở bờ biển, có đoạn tạo vách đứng cao 1 - 1,5m. Một người dân khối An Bàng (phường Cẩm An) cho biết, ở biển An Bàng những vị trí có kè tạm thì ít sạt lở hơn, dù vậy năm ngoái sóng biển kết hợp với triều cường đã làm hư hỏng và sạt lở bờ kè, làm toàn bộ khối lượng đất đắp bị cuốn trôi.
Hai dự án trọng điểm để giải quyết tình trạng xâm thực
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An, bờ biển Hội An đang được triển khai 2 dự án quan trọng. Dự án thứ nhất khoảng 1.000 tỷ đồng do AFD tài trợ, đang hoàn tất các bước thủ tục cuối cùng để triển khai đầu tư. Dự án thứ hai khoảng 212 tỷ đồng, kè 1.500m bờ biển lên phía bắc đang được Sở NN&PTNT tích cực triển khai và khả năng sẽ thi công vào cuối năm nay.
Trong khi chờ đầu tư các công trình căn cơ để giải quyết vấn đề xâm thực bờ biển, TP.Hội An đã chỉ đạo các ngành liên quan và hai phường Cửa Đại, Cẩm An vận động nhân dân và doanh nghiệp trong khu vực tiến hành gia cố các vị trí xung yếu. Ví dụ điểm bờ biển tại 2 khối phố Tân Thịnh, Tân Mỹ (phường Cẩm An) luôn bị sạt lở trong thời gian qua.
Những ngày gần đây bị ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới, các điểm xung yếu đã được chính quyền địa phương và nhân dân triển khai gia cố bằng hệ thống bao tải mền, cọc tre và tấm vải địa kỹ thuật. Với sự gia cố kịp thời này thì trong các đợt bão lũ tới việc sạt lở sẽ được giảm thiểu.
Hiện ở bờ biển Hội An có 7 công trình bờ biển do doanh nghiệp thực hiện có tổng chiều dài hơn 2,1km, với nhiều giải pháp, kết cấu khác nhau nhưng có điểm chung là đều bị sụt lún, hư hỏng.
Theo các doanh nghiệp tại khu vực này, trước và sau mỗi mùa mưa bão họ đều phải đổ thêm đá hộc để gia cố chân kè hoặc bổ sung túi vải địa kỹ thuật để gia tăng sức chống chịu của kè.
Mới đây, lo ngại ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, chính quyền địa phương cùng hàng chục hộ dân “đội mưa” khẩn trương gia cố bờ biển. Nhiều mét khối đất đã được tập kết dồn thành từng đống lớn bảo vệ bờ kè. Ngoài ra, người dân địa phương cũng cẩn thận đóng cọc tre, nhồi cát vào nhiều bao tải lớn để gia cố các vị trí trọng yếu.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Quảng Nam, hiện ở bờ biển Hội An đã có các công trình thuộc Dự án chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại. Trong đó có 2 tuyến đê ngầm giảm sóng cách bờ khoảng 250m, tổng chiều dài của hai giai đoạn xây dựng khoảng 1.750m.
Cạnh đó còn có bãi nuôi cát với chiều dài 600m đã lần lượt đưa vào sử dụng từ cuối năm 2020 đến cuối năm 2022 và ít nhiều bị tác động bởi thiên tai, nhất là trong mùa mưa bão.
Ông Võ Văn Điềm - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Quảng Nam thông tin, qua 2 mùa mưa bão gần nhất, đặc biệt là mùa mưa bão năm 2021, các công trình này đã phát huy tác dụng rõ rệt, góp phần đáng kể để bảo vệ bờ biển Hội An.
Hiện hạ tầng trong phạm vi dự án cơ bản được bảo đảm ổn định, đơn vị tiếp tục có các biện pháp cụ thể để gia cố, phát huy giá trị công trình này trước khi triển khai dự án tiếp theo do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ vào năm 2024.
Bảo đảm an toàn cho di tích
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết Hội An là địa phương ven biển, vùng trũng thấp, nơi thường xuyên bị ảnh hưởng của mưa bão. Những ngày qua, mưa lớn đã làm một số nơi ngập úng. Do đó, thành phố đang hoàn thiện các kế hoạch ứng phó nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Cùng với việc mua sắm các trang thiết bị, tổ chức rà soát, củng cố, kiện toàn các đội ứng phó, cứu hộ, thành phố cũng tổ chức tập huấn các lực lượng liên quan.
Đặc biệt, phương án phòng chống bão lũ cho khu phố cổ luôn được đặt lên hàng đầu vì các ngôi nhà cổ có niên đại rất lâu, không ít ngôi nhà đang xuống cấp và có nguy cơ sụp đổ.
Do đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An triển khai chằng chống, gia cố tất cả di tích thuộc sở hữu nhà nước, tập thể và tư nhân. Nhiều đội thi công đang hỗ trợ các di tích tư nhân gia cố, chằng chống hệ mái, bờ tường, cột trụ… của di tích.
Riêng di tích Chùa Cầu đang được trùng tu, tôn tạo, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm nay. Thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An xây dựng nhiều kịch bản ứng phó đối với công trình.
Trong quá trình đầu tư tôn tạo, UBND tỉnh đã thống nhất cho xây dựng một nhà bao che hai tầng kiên cố. Nhà bao che này đảm bảo vừa đủ cho không gian thi công, sắp xếp cấu kiện và các thao tác bên trong; hệ khung được làm bằng các cấu kiện thép vững chắc đảm bảo chống chịu trong mưa bão; sàn công tác làm từ vật liệu chống ẩm mốc, trơn trượt, đảm bảo an toàn. Công năng bố trí hợp lý, có lối đi dân sinh, tạo điều kiện để người dân và du khách có thể thực hiện các nghi thức tín ngưỡng và tham quan di tích...