Hỗ trợ xây công trình tránh bão lũ
Bắt đầu từ sự trợ lực của chính sách, mỗi địa phương lại có những cách hỗ trợ khác nhau để người dân tạm yên tâm tránh trú bão lũ ngay nơi ở của mình.
Xây nhà tránh ngập lụt
Ông Nguyễn Tám (xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn) trong tháng 8 vừa qua đã xây dựng xong căn nhà kiên cố rộng 45m2 từ sự “khích lệ” của chính quyền địa phương.
Là một trong số 67 hộ dân được phê duyệt hỗ trợ đợt 1 theo Nghị quyết số 32 của HĐND tỉnh (quy định về mức hỗ trợ xây dựng chòi/phòng trú bão, lũ, lụt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025) với số tiền 10 triệu đồng, gia đình ông vay mượn thêm để xây dựng công trình.
Tháng 9/2021, Nghị quyết 32 của HĐND tỉnh về mức hỗ trợ người dân xây dựng chòi, phòng trú bão, lũ trở thành “phao cứu sinh” đối với những hộ dân khó khăn ở vùng bão lũ. Ban đầu, nghị quyết quy định hỗ trợ hộ nghèo, hộ chưa có nhà ở kiên cố; hộ có nhà ở từ các nguồn hỗ trợ nhưng đã hư hỏng, xuống cấp… với mức hỗ trợ 10 triệu đồng để xây dựng chòi, phòng trú bão.
Cuối năm 2022, HĐND tỉnh tiếp tục mở rộng chính sách, bổ sung đối tượng thụ hưởng là hộ có mức sống trung bình được pháp luật quy định, hộ gia đình nằm trong vùng thường xuyên xảy ra bão, lũ nhưng chưa có nhà ở kiên cố được hỗ trợ xây dựng nơi ở trú bão. Đến thời điểm hiện tại, dự kiến tổng số hộ được hỗ trợ lên đến 12.300 hộ với tổng kinh phí khoảng 120,3 tỷ đồng.
“Số tiền không phải nhiều trong thời điểm giá vật liệu xây dựng, tiền công cao như hiện nay nhưng từ nguồn hỗ trợ này, cùng với sự động viên của chính quyền, gia đình tôi cũng như nhiều người có thêm động lực kết hợp xây nhà ở kiên cố để tránh bão lũ” - ông Nguyễn Tám nói.
Nông Sơn là địa phương thường xuyên ảnh hưởng thiên tai, nhất là tình trạng ngập lụt nhưng việc di dời dân lại gặp khá nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, khi Nghị quyết 32 ra đời, chính quyền và người dân tại đây rất phấn khởi. Đây được nhận định là điều kiện để nhiều hộ gia đình ở Nông Sơn vừa có nhà tránh trú vừa có thể làm nơi sinh hoạt tạm.
Nông Sơn hiện có hơn 700 hộ đăng ký hỗ trợ xây dựng chòi tránh bão. Trong đợt 1 năm 2023, toàn huyện có 67 phòng, chòi tránh bão lũ được hỗ trợ xây dựng. Đến nay, cơ bản các gia đình đã được hỗ trợ xây dựng phòng, chòi tránh bão lũ đảm bảo trước mùa mưa.
“Tôi nghĩ đây là chủ trương rất ý nghĩa bởi thực tế cho thấy, phòng/chòi tránh bão, lũ không chỉ đảm bảo an toàn cho các gia đình chưa có điều kiện xây nhà kiên cố mà một số gia đình được hỗ trợ đã mở rộng diện tích để mỗi khi có bão, lũ còn là nơi cho hàng xóm đến trú cùng.
Điều này vừa gắn kết tình làng nghĩa xóm, vừa giảm áp lực cho chính quyền địa phương trong công tác sơ tán người dân đến nơi an toàn tránh bão lũ” - bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn chia sẻ.
Xóa hầm tránh bão tạm bợ
Không còn những căn hầm trú bão tạm bợ, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân ở xã ven biển Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) đã xây dựng những căn phòng kiên cố ứng phó với gió bão.
Ông Trần Chánh Sa (thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh) vừa hoàn thiện công trình tránh bão với diện tích khoảng 9m2, trụ và mái đổ bê tông kiên cố, có cả công trình vệ sinh. Công trình được xây dựng bên cạnh ngôi nhà đang ở với chi phí khoảng 40 triệu đồng.
Ông cho biết ngôi nhà cấp 4 của ông xây dựng đã lâu nên không đủ cứng cáp để có thể phòng tránh bão. Những năm trước, khi có bão đến là gia đình phải di dời lên Tam Kỳ hoặc qua nhà lân cận để tránh trú.
“Giờ có hai vợ chồng già ở đây, con cái động viên xây dựng căn phòng này cho yên tâm. Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, rồi mình thêm vào để xây dựng. Thôi kệ, ráng chứ vùng này tình hình mưa bão phức tạp quá, mình xây lên đây rồi có bão thì con cái về núp cũng có chỗ cứng cáp” - ông Sa nói.
Kinh phí hỗ trợ 10 triệu đồng theo Nghị quyết số 32 của HĐND tỉnh (quy định về mức hỗ trợ xây dựng chòi/phòng trú bão, lũ, lụt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025), ông Sa cho rằng “không thấm vào đâu” nhưng là nguồn động viên, khích lệ người dân xây dựng công trình tránh bão.
Trên địa bàn có nguy cơ cao thiệt hại do mưa bão như xã Tam Thanh, để khuyến khích hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng công trình, HĐND TP.Tam Kỳ còn có nghị quyết hỗ trợ thêm 10 triệu đồng và Mặt trận thành phố cũng hỗ trợ 5 triệu đồng/trường hợp. Theo tính toán, với vật giá thị trường hiện nay, để xây dựng được một căn phòng tránh bão kiên cố, chí phí ít nhất cũng vào khoảng 30 triệu đồng.
Đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo, nguồn kinh phí để “đối ứng” khi xây dựng công trình là rất hạn chế nên cần sự hỗ trợ thiết thực. Tại Tam Thanh, Mặt trận xã đã huy động một hội viên nông dân là chủ thợ xây, với tinh thần hỗ trợ hết mình, hội viên này đứng ra nhận nhiều công trình, tính toán kỹ lưỡng để có thể “cân đối” chi phí xây dựng.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Bí thư Đảng ủy xã Tam Thanh cho biết, trước đây để ứng phó với những cơn bão thường gây ảnh hưởng mạnh tại địa phương, nhiều hộ dân đã tự bỏ kinh phí xây hầm tránh trú, nhưng nhìn chung không được kiên cố. Khi có nguồn hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân đã đăng ký xây dựng.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2023 - 2025 địa phương xây dựng 285 công trình, riêng năm nay xây dựng 40 công trình. Theo ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, dự kiến tổng số gia đình được thực hiện hỗ trợ giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn TP.Tam Kỳ là 1.660 hộ, trong đó có 60 hộ nghèo, hộ cận nghèo và những hộ khó khăn, nằm ở những vùng trũng thấp, dễ gặp thiên tai.