Trung thu trong niềm nhớ
(VHQN) - Tiếng trống trường vang lên, một đội lân nhanh chân vào cuộc trình diễn phục vụ đêm hội. Niềm vui hiện lên trong ánh mắt của học trò vùng cao. Trên gương mặt màu nắng, ai cũng háo hức đón nhận những món quà trung thu ý nghĩa...
Trong ký ức của những cậu học trò vùng cao ngày ấy, trung thu là điều chờ đợi nhất trong năm. Bởi đây là dịp thầy và trò cùng nhau thắp từng ngọn đuốc soi đường, đi bộ gần cả chục cây số để tham gia đội lân, múa phục vụ dân làng. Sau những đêm diễn, dưới ngọn đuốc tờ mờ và nghi ngút khói, những mái đầu chụm nhau, hì hụp ăn vội tô mỳ Quảng được chuẩn bị từ sớm.
Điều chờ mong cuối ngày
Như đã hẹn, đúng 4 giờ chiều, chúng tôi tập trung trước sân trường để cùng làm đầu lân. Một nhóm khác luyện tập các bài múa, đóng vai thổ địa và gõ trống. Những miếng giấy các tông, giấy vở được huy động để làm nguyên liệu trang trí đầu lân và mặt ông địa.
Vài ngày trước, tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi theo chân các anh lớn vào rừng kiếm cây nứa, phụ giúp chẻ thành từng miếng nhỏ, rồi phơi khô để góp sức hoàn thiện đầu lân chung của trường.
Hồi tôi chưa đi học, mỗi lần nghe tiếng trống và nhất là thấy mặt ông địa là chạy… “mất dép”. Những đứa trẻ thời ấy sợ ông địa hơn cả cây roi của người lớn. Tôi nhớ, có lần đội lân của trường đến làng, lúc đó lân vào nhà tôi đầu tiên. Tôi khóc thét như gặp phải “ông kẹ”. Sau này, lớn lên, mỗi lần biết được đội lân sắp về, tôi thường chuẩn bị những chùm lòn bon thật chín, thật ngon rồi treo sẵn trước cửa nhà, chờ đợi. Ký ức tuổi thơ ùa về, khi những ngày qua ở phố, đã nghe rộn ràng tiếng trống, chuẩn bị cho những ngày vui trung thu lại bắt đầu…
Gần như năm nào cũng vậy, hễ đến mùa trung thu, cả trường tiểu học ở lưng chừng núi cạnh dòng Sông Kôn (Đông Giang) đều rộn ràng hẳn. Sau giờ học, chúng tôi xúm lại để phụ giúp các công đoạn làm lân.
Những miếng vải được gom nhặt, rồi mang đến tiệm may gần trường nhờ thiết kế đuôi lân hoàn chỉnh. Các đêm sau đó, đội múa lân của trường chuẩn bị đủ vật dụng cần thiết, từ cây đuốc, trống trường, quạt mo cho đến nắp soong, mặt ông địa. Và tất nhiên, không thể thiếu lân, cùng đội múa “chuyên nghiệp” duy nhất ở vùng núi này.
Hồi đó, mỗi xã chỉ có một trường tiểu học và mỗi trường chỉ có một đội lân. Vì thế, phạm vi hoạt động của đội lân rất rộng, có khi kéo dài cả hàng chục cây số đi bộ, ngược núi để phục vụ người dân trong xã. Đội lân đến đâu, hàng dài người dân tìm đến, rồi theo chân cổ vũ.
Thời điểm ấy, chừng đâu khoảng những năm 1995, 1996, cả xã Sông Kôn chưa có điện thắp sáng. Những ánh sáng từ cây đuốc không đủ hỗ trợ để đội lân phát hiện gói quà mừng từ gia chủ. Có nhà, người ta treo đâu đó trên cao cánh cửa chính hoặc để ở một nơi khá kín nhằm dụ lân múa lâu hơn.
Vui theo ký ức tuổi thơ
Hôm nọ, tôi nhắc chuyện trung thu với thầy giáo cũ. Như chạm vào miền ký ức thanh xuân, thầy tôi nói một mạch như thể chúng tôi đang sống trong câu chuyện ngày cũ.
Thời thanh xuân của thầy và cũng là ký ức tuổi thơ của chúng tôi, miền núi còn khá hoang vu, chưa nơi nào có điện thắp sáng, trừ khu vực thị trấn. Cứ đến mùa trung thu, cả thầy và trò cùng nhau “ăn ở” với lân, suốt cả tháng trời.
Để chuẩn bị cho các đêm diễn, thầy mượn tạm trống trường, rồi phân công học sinh chuẩn bị dầu lửa, đuốc cây phục vụ đội lân. Sau những chuyến đi, nếu được thưởng tiền thì thầy trò tích quỹ để làm chương trình liên hoan cuối năm. Những đêm mệt lả người, dưới ánh đèn dầu, cả thầy trò xì xụp ngồi ăn những bát mỳ đầy cảm động. Vậy là mùa trung thu năm nào chúng tôi cũng chờ đợi, mong mỏi…
Những mùa trung thu ở núi, thường bắt đầu khá muộn. Chỉ có đoàn lân duy nhất của trường, làm việc hết công suất. Có hôm chúng tôi lặn lội về tận các làng xa nhất của xã, đi bộ gần 2 giờ đồng hồ để múa phục vụ người dân và học sinh.
Hành trình cứ thế lặp lại: ban đêm, múa phục vụ những thôn gần điểm trường; ngày nghỉ cuối tuần, cả đội lân ngược núi đến các làng xa hơn để múa theo yêu cầu.
Ngày đó, món quà trao gửi cho đội lân không phải tiền mặt như bây giờ. Vì hoàn cảnh khó khăn, có khi chủ nhà chuẩn bị những chùm lòn bon, nải chuối, quả mít… trong niềm vui đón nhận của thầy trò vùng cao.
Hơn 10 năm trước, trong chuyến công tác miền núi, tôi chứng kiến đội lân ở trung tâm huyện Tây Giang vui múa phục vụ cộng đồng. Nhóm trẻ này nói, để có đội lân này, cả nhóm phải góp tiền, rồi cắt cử thành viên xuống tận TP.Đà Nẵng để mua về.
“Múa cho bà con không phải để thu tiền, mà chỉ để vui thôi” - một thành viên đội lân nói. Vang giữa tiếng trống và điệu hò reo, đêm ở Tây Giang thời điểm mới tái lập, lại có niềm vui đến từ những đám học trò.